Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Phạm Thắng. |
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật chiều 22/9, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra 2 câu hỏi về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Ông Phú Cường bày tỏ băn khoăn việc nguyên nhân có sự phân chia số tiền đấu giá theo tỷ lệ 30% phân bổ cho ngân sách địa phương và 70% nộp về ngân sách Trung ương.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu dẫn chứng việc: “Người dân TP.HCM liệu có được đấu giá biển số của Long An hay Bình Phước không? Nếu có thì việc chuyển vùng về địa phương và công tác quản lý sẽ ra sao?”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, trước đây Bộ Công an xây dựng dự thảo đấu giá biển số xe được thực hiện tại công an cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc này sau đó được nhận định là phân tán và không đảm bảo tính thống nhất. Do vậy, cơ quan này quyết định đưa nội dung đấu giá tập trung ở Bộ Công an vào dự thảo.
Đồng thời, ông Long cho biết việc phân chia ngân sách theo tỷ lệ 30% và 70% cũng được rút lại. Dự kiến, 100% số tiền đấu giá biển số sẽ nộp vào ngân sách Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định công dân Việt Nam có quyền tham gia đấu giá biển số của bất kỳ tỉnh/thành phố nào. “Với cơ sở dữ liệu dân cư và hạ tầng hiện nay, Bộ Công an có thể đảm bảo tốt công tác quản lý”, ông Long khẳng định.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Việc này được ông Vương Đình Huệ đánh giá đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Kết thúc phiên họp, 100% Ủy viên Thường vụ Quốc hội có mặt đồng ý bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.