Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo dự thảo Chính phủ xây dựng, biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các biển số này là biển số được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc một năm (tuỳ thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả địa phương trên toàn quốc. Giá khởi điểm của biển số ở Hà Nội và TP.HCM là 40 triệu đồng, các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.
Tờ trình cũng bổ sung trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá và chấp nhận giá bằng giá khởi điểm thì biển số được bán cho người đó.
Cơ quan chức năng không đưa ra tiêu chí để đánh giá biển số đẹp hay xấu. Ảnh minh họa: Anh Xuân. |
Về quyền sau khi trúng đấu giá biển số, theo tờ trình, người trúng đấu giá khi chuyển nhượng xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Ngoài ra, người trúng đấu giá biển số ôtô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe). Tuy nhiên, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế riêng biển số trúng đấu giá.
Tuy nhiên, người nhận chuyển nhượng chiếc xe đó khi tiếp tục bán xe thì không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác.
Để tránh trường hợp đầu cơ, tích trữ biển số đẹp, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được đăng ký gắn với phương tiện, nếu không đăng ký sẽ bị thu hồi.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí sẽ phân theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương và 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.