Sự khởi đầu của thị trường truyện tranh Việt
Năm 1992, NXB Kim Đồng mua bản quyền và ra mắt bộ truyện Doraemon mà bạn đọc Việt thường quen với tên gọi Đô-rê-mon của Nhật Bản.
Đây trở thành một dấu mốc đặc biệt của ngành xuất bản Việt Nam. Bộ truyện nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản và cho tới ngày hôm nay vẫn là một trong những đầu sách có doanh thu cao nhất của NXB Kim Đồng.
Doraemon là bộ truyện tranh có tính cách mạng mở ra thị trường truyện tranh tại Việt Nam. |
Trước hiện tượng Doraemon, truyện tranh là mảng sách phát triển khá tự phát trong đời sống xuất bản Việt Nam. Nhưng sau thành công của bộ sách, rất nhiều NXB hay các đơn vị phát hành đã lao vào tấn công thị trường này.
Khó khăn và thách thức
Khoảng thời gian ngắn sau khi Doraemon ra mắt, mỗi năm ở Việt Nam xuất hiện khoảng 10 bộ truyện tranh, sau đó số lượng tăng lên khoảng 25 bộ. Trong những năm gần đây, số lượng các ấn phẩm thuộc thể loại này đã lên tới 50 bộ ra mắt mỗi năm.
Tuy nhiên, khi chưa có những hàng rào pháp lý chặt chẽ, các ấn bản truyện tranh được khai thác một cách tràn lan, thiếu chọn lọc. Điều này khiến cho thị trường xuất hiện nhiều bộ truyện tranh kém chất lượng, thiếu tính văn hóa, giáo dục mà nặng về thương mại.
Thậm chí không ít bộ truyện tranh có nhiều yếu tố tình dục, bạo lực, thực sự không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Thêm vào đó, việc dịch thuật, biên tập của một số nhà xuất bản còn rất thiếu chọn lọc, cân nhắc về đối tượng đặc biệt với bạn đọc nhỏ tuổi nên càng gây phản cảm.
Nạn in lậu cũng tác động tiêu cực đến thị trường truyện tranh. Các NXB không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, do đa phần sách in lậu rất kém chất lượng.
Chỉ trong vài năm trở lại đây, thị trường truyện tranh tại Việt Nam có nhiều sự thay đổi lớn. |
Cho tới năm 2004, khi Việt Nam chính thức tham gia Công ước Bern về bản quyền, thị trường truyện tranh giống như trải qua một cuộc thanh lọc lớn.
Mặc dù các đầu sách lậu có giảm đi, các NXB cũng không xuất bản tràn lan nhưng để thị trường phát triển lành mạnh vẫn là điều khá nan giải.
Thay đổi để phù hợp thị hiếu
Bất chấp khó khăn, một số NXB vẫn kiên trì xuất bản truyện tranh một cách nghiêm túc.
Về vấn đề này bà Duy Ngọc đại diện NXB Trẻ chia sẻ: "Từ năm 2008 đến năm năm 2011, truyện tranh của nhà xuất bản Trẻ nói riêng, và truyện tranh có bản quyền nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ hệ quả của truyện tranh lậu. Các bộ truyện mà NXB Trẻ phải rất khó khăn mới thương lượng và mua được tác quyền chưa kịp phát hành thì trên thị trường và trên internet các bản lậu đã được phát tán với tốc độ chóng mặt. Một số tác phẩm đã phải “chết oan” vì sự càn quét của cơn bão ‘truyện lậu” kiểu này".
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Ban truyện tranh NXB Trẻ đã phải vừa ra soát các khâu dịch thuật, kỹ thuật, in ấn, thiết kế bìa, đề tài... để hệ thống hóa và chuẩn hóa những gì có sẵn, đồng thời phải dò dẫm các cách thức mới đem lại giá trị tốt hơn cho độc giả. Năm 2014 là giai đoạn truyện tranh NXB Trẻ phục hồi và từng bước cải thiện mình để phục vụ độc giả tốt hơn.
Nhưng đó cũng là một yếu tố khiến thị trường truyện tranh tại Việt Nam có thêm nhiều bước đột phá khi có thêm nhiều đơn vị xuất bản tư nhân bước vào cuộc chơi như TVM Comic, Skybook hay Đông Á... bên cạnh 2 NXB Trẻ và Kim Đồng. Dù mới gia nhập nhưng những đơn vị này đã tạo được chỗ đứng nhất định trong thị trường truyện tranh hiện nay.
Theo đó thị trường được chia ra làm 2 mảng chính là truyện tranh thiếu nhi và truyện tranh dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên như comic, manga. Nếu như phân khúc truyện thiếu nhi gần như được Skybook, Đông Á thâu tóm hoàn toàn thì manga lại là cuộc chơi lớn của NXB Kim Đồng, NXB Trẻ và TVM Comic.
Với thế mạnh đơn vị đi đầu trong làng truyện tranh với kinh nghiệm lâu năm NXB Kim Đồng vẫn giữ được vị thế của mình với nhiều đầu truyện hấp dẫn như Itto, One Piece, Conan, Toriko, Pokemon, Hit man... Sinh sau đẻ muộn nhưng sự nhanh nhạy giúp TVM Comics nắm trong tay nhiều đầu sách ăn khách như Bleach, Fairy Tale, Naruto, Ichigo... Phần còn lại của miếng bánh thuộc về NXB Trẻ sau một thời gian im ắng cũng quay trở lại với việc tái bản bộ truyện Thám tử Kindaichi và Katsu.
Là một đơn vị xuất bản mới trong lĩnh vực truyện tranh nhưng TVM Comics cũng tìm ra được hướng đi đúng đắn để bắt kịp xu hướng độc giả. Ông Huỳnh Đắc Thọ đại diện TVM Comics chia sẻ: "TVM Comics được thành lập với tiêu chí là mang đến những sản phẩm truyện tranh chất lượng có bản quyền. Tuy là đơn vị mới, nhưng chúng tôi có một nền tảng rất tốt khi chưa từng xuất bản một bộ truyện tranh không có bản quyền nào trước đó. Vì thế việc thương thảo với các NXB lớn tại Nhật cũng dễ dàng hơn. Và TVM cũng chính là nơi đầu tiên nắm được bản quyền từ những NXB cực kí khó tính bên Nhật như SHUEISHA, KODANSHA, v.v... tại Việt Nam".
Việc TVM nhanh chóng giành được chỗ đứng của mình chủ yếu là nhờ tiên phong trong đổi mới hình thức: bìa gập, bìa rời, thay đổi hình thức cán màng, in đầy đủ phụ kiện đi kèm (như trang màu), v.v....Mục tiêu trong thời gian tới của TVM là giữ nguyên vị trí tiên phong trong việc cải tiến hình thức cũng như chất lượng in ấn, bên cạnh đó sẽ phát triển những dòng sản phẩm về sách khác ngoài truyện tranh.
Nhưng sự cân bằng của thị trường truyện tranh Việt Nam cũng không hẳn được giữ vững khi phải cạnh tranh với nhiều yếu tố khác. Các dịch vụ đọc sách trực tuyến và các ứng dụng đọc truyện phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các nhà xuất bản.
Cùng với đó, thị trường không xuất hiện nhiều bộ truyện mới mang tính đột phá cũng như thời gian chờ đợi khiến người đọc không còn mặn mà với các ấn phẩm. Việc người đọc đã quen với việc click chuột để tiếp cận ngay với những chương mới nhất thay vì chờ đợi hàng tuần để mua sách đang là vấn đề làm đau đầu nhiều nhà xuất bản.
Cơ hội mới cho truyện tranh Việt
Cái khó của người này lại là cơ hội của người khác. Lúc này, các ấn phẩm truyện tranh "made in Việt Nam" lại tìm được cơ hội để thử sức với thị trường.
Tiêu biểu là dự án Long thần tướng vừa ra mắt thành công trong thời gian qua. Việc tận dụng rất tố yếu tố mạng xã hội cũng như khơi gợi tinh thần yêu nước với cách làm sách chỉn chu, ê-kíp thực hiện bộ truyện đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo độc giả trẻ và giới truyền thông.
Anh Nguyễn Khánh Dương đại diện nhóm tác giả Long thần tướng và cũng là người sáng lập công ty truyện tranh Comicola đánh giá: "Thị trường truyện tranh Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, và nhu cầu đọc của độc giả là rất lớn. Do trải qua quá trì 10 năm không phát triển, số lượng đầu sách không tung ra nhiều, nên chúng ta có cảm giác thị trường bị thu nhỏ lại. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng ở thị trường truyện tranh Việt Nam, hơn thế nữa, nhìn thấy chất lượng họa sĩ đã được nâng cấp đáng kể."
Long thần tướng đánh dấu bước ngoặt mở ra cơ hội mới cho truyện tranh "made in Vietnam" từ hình thức crownfunding. |
Có một phong trào trong chính những người làm truyện tranh Việt cho rằng đã đến lúc tác giả Việt Nam đứng lên và giành lại thị phần trong nước. Comicola không chỉ phát triển theo hình thức gây quỹ cộng đồng. Từ tháng 9/2015, một số đầu truyện của đơn vị này như 50 Sắc Màu, Tây Du Hí đã được trực tiếp xuất bản và tung ra thị trường mà không thông qua hình thức gây quỹ.
Các NXB lớn cũng đang quan tâm hơn tới những sản phẩm truyện tranh Việt. Tiêu biểu như TVM Comics đang thúc đẩy việc thương thảo với tác giả Gehena về bộ truyện đình đám Zodiac Boys trước đây. Nhưng do còn một số vấn đề chưa thỏa thuận được nên Zodiac Boys đã không phát hành dưới tên TVM Comics.
Những đơn vị xuất bản lớn như NXB Trẻ cũng đã nhìn thấy tiềm năng trong tương lai gần của các họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam. Chính vì vậy, đơn vị này cũng có nhiều động thái hỗ trợ và ủng hộ cho phong trào truyện tranh còn non trẻ trong nước. Bộ truyện Học viện bóng đá của các tác giả Bách Lê, Bá Diệp được ra mắt trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Tạm kết
Dù hiện tại vẫn còn nhiều thách thức với các đơn vị xuất bản nhưng chính điều đó lại đang thúc đẩy thị trường truyện tranh tại Việt Nam phát triển hơn.
Vấn đề bản quyền được đầu tư đúng mức cũng là một tín hiệu đáng mừng làm thay đổi hình ảnh của thị trường vốn bị ảnh hưởng bởi nạn sách lậu trong thời gian qua. Nhưng đó cũng là những nền tảng cần thiết để những cây bút trẻ có cơ hội thể hiện mình trong tương lai.