Giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu còn tiếp tục cao trong vài năm tới, do nguồn cung thấp hơn nhu cầu, nhưng sau đó thị trường có thể sụp đổ nếu nông dân tiếp tục ồ ạt trồng như hiện nay.
Đó là cảnh báo của ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), tại hội nghị thường niên của hiệp hội ngày 8/5.
Bí thư Đoàn thanh niên làng Sơbir Plinh chăm sóc vườn tiêu của mình. |
Theo ông Nam, diện tích trồng tiêu cả nước hiện đã trên 80.000 ha, vượt 30.000 ha theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nguyên nhân do giá hồ tiêu tăng liên tục kể từ năm 2007 đến nay, đem về mức lợi nhuận “trong mơ” cho người trồng tiêu, dẫn đến hiện tượng nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng diện tích quá nhanh như thời gian qua, kèm với đó là việc mất kiểm soát trong quản lý chất lượng trồng trọt, đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với ngành hồ tiêu của Việt Nam.
Giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu còn tiếp tục cao trong vài năm tới, do nguồn cung thấp hơn nhu cầu, nhưng sau đó thị trường có thể sụp đổ nếu nông dân tiếp tục ồ ạt trồng tiêu như hiện nay. |
“Phong trào trồng tiêu phát triển nóng ở Ấn Độ và Indonesia, từng dẫn đến sự sụp đổ của thị trường hồ tiêu, và hậu quả của nó đến nay các nước kể trên vẫn chưa giải quyết xong”, ông Nam khuyến cáo.
Theo VPA, bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 57.000 tấn, với kim ngạch 521 triệu USD, dù giảm 23,8% về khối lượng nhưng vẫn tăng 2,1% về giá trị.