Các rắc rối pháp lý đang đè nặng lên thị trường tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Bloomberg đưa tin theo các chiến lược gia của Citigroup, biến động trên thị trường tiền mã hóa và chứng khoán Mỹ trong một tháng qua cho thấy tiền mã hóa lại một lần nữa tăng giảm theo chứng khoán.
Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường mỏng, khối lượng giao dịch vẫn ở dưới mức trung bình của năm ngoái và gặp khó trong việc tăng vượt ngưỡng này.
Thị phần của Bitcoin trên toàn thị trường tiền mã hóa đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 tháng. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư đang đổ xô vào tài sản này trong bối cảnh triển vọng của những đồng tiền khác trở nên bấp bênh.
Một loạt tin xấu
Ngành công nghiệp tiền mã hóa vừa trải qua một trong những giai đoạn sóng gió nhất từ trước đến nay. Binance và Coinbase đều bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) kiện vì điều hành các sàn giao dịch bất hợp pháp.
Không dừng lại ở đó, SEC còn liệt một loạt token nhỏ vào nhóm chứng khoán chưa được đăng ký.
"Tình trạng bấp bênh hiện tại sẽ mang lại rất nhiều tác động. Đáng chú ý nhất là các nhà đầu tư tổ chức trở nên thận trọng hơn", chuyên gia Bendik Schei và Vetle Lunde của K33 viết.
Tình trạng bấp bênh hiện tại sẽ mang lại rất nhiều tác động. Đáng chú ý nhất là các nhà đầu tư tổ chức trở nên thận trọng hơn
Chuyên gia Bendik Schei và Vetle Lunde của K33
Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ khiến thanh khoản trên thị trường trở nên mỏng hơn nữa, và dẫn đến sự suy yếu kéo dài.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 25.000 đồng tiền mã hóa là hơn 1.000 tỷ USD. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, hồi cuối năm 2021, con số này lên tới 3.000 tỷ USD - tương đương vốn hóa của Nvidia Corp.
Trên thực tế, triển vọng đối với trí tuệ nhân tạo đã thổi phồng vốn hóa của Nvidia. Nhiều nhà đầu tư trong đó từng đổ tiền vào tiền mã hóa.
Chủ tịch SEC Gary Gensler khẳng định hầu hết token là chứng khoán và phải tuân theo các quy tắc liên quan. Mới đây, nền tảng giao dịch eToro (có trụ sở ở Israel) đã dừng cho phép khách hàng mở vị thế mới đối với một số token mã hóa. Trước đó, Robinhood Markets cũng đưa ra động thái tương tự.
Hai công ty cho vay tiền mã hóa liên kết với Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng tạm dừng rút tiền. Động thái này làm dấy lên lo ngại về những rủi ro kéo dài.
Nền tảng giao dịch tiền mã hóa Abra cũng bị một cơ quan quản lý bang Texas buộc tội gian lận chứng khoán. Cơ quan này đã đệ trình lệnh ngừng hoạt động khẩn cấp đối với công ty và giám đốc điều hành. Bang New Jersey đưa ra cáo buộc tương tự vào cuối tuần trước.
Thanh khoản mỏng
Rắc rối vẫn chưa dừng lại với Binance. Hôm 16/6, các quan chức Pháp cho biết sàn giao dịch này đang bị điều tra về cáo buộc cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số bất hợp pháp và những hành vi rửa tiền nghiêm trọng.
Điểm sáng là quỹ đầu tư BlackRock đã nộp đơn đăng ký quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Giá Bitcoin tăng vọt sau tin tức này.
Theo nguồn tin của CoinDesk, BlackRock sẽ dùng Coinbase Custody - một giải pháp lưu trữ ngoại tuyến các tài sản kỹ thuật số - cho ETF. Những dữ liệu trên thị trường giao ngay của sàn giao dịch tiền mã hóa được sử dụng để định giá.
Trong 6 tháng đầu năm nay, gần 172 triệu USD đã chảy khỏi các sản phẩm giao dịch hoán đổi toàn cầu - theo dõi từ Bitcoin đến Cardano. Hồi năm ngoái, con số này chỉ là 37 triệu USD. Năm 2020 và 2021, lần lượt là 6,7 tỷ USD và gần 10 tỷ USD được đổ vào những sản phẩm này.
Thị trường tiền mã hóa còn bị ảnh hưởng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay. Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - cũng khẳng định việc nâng thêm 0,25 điểm phần trăm là "rất có khả năng".
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.