Thị trường thế giới đang hồi hộp với phiên giao dịch đầu tuần sau diễn biến khủng hoảng ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ với phiên sụt giá kỷ lục của đồng lira hôm thứ sáu cuối tuần.
Guardian đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục giữ thái độ khiêu khích đối với Mỹ, đồng thời cáo buộc các nhóm lợi ích nước ngoài khơi mào chiến tranh thương mại nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết đưa ra các biện pháp giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng như thị trường Mỹ.
"Chúng ta sẽ đáp trả những người gây ra cuộc chiến thương mại có phạm vi toàn cầu, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách hướng đến những đồng minh mới, các thị trường mới", ông Erdogan trò chuyện với các quan chức tại thành phố Trabzon hôm 12/8.
Tổng thống Erdogan phát biểu trước đám đông ở thành phố Ordu hôm 11/8. Ảnh: AP. |
Cuối tuần trước, đồng lira sụt giá nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu nặng nề đối với thép Thổ Nhĩ Kỳ. "Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện này không được tốt đẹp", ông Trump viết trên Twitter.
"Họ đang đe dọa chúng ta", ông Erdogan phát biểu tại thành phố Ordu hôm 11/8. "Các nước không thể bắt người dân (Thổ Nhĩ Kỳ) quỳ gối bằng cách sử dụng ngôn từ mang tính đe dọa".
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là mâu thuẫn thương mại. Các nhà đầu tư ở thị trường này đang quan ngại về khoản nợ nước ngoài trị giá đến 350 tỷ USD của ngân hàng và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng chi trả số tiền trên khi đồng lira sụt giá, lạm phát tăng vọt.
Khi cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng, người tiêu dùng tại Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với giá thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men ngày càng tăng. Tỷ lệ lạm phát dự kiến cũng tiếp tục tăng từ mức 15,4% hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Hurriyet, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak, con rể ông Erdogan, miêu tả sự sụt giá của đồng lira là một "sự tấn công" nhằm vào quốc gia Tây Á, đồng thời cho biết kế hoạch đáp trả đã được chuẩn bị.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy cơ quan này sẽ tăng lãi suất nhằm đối phó với mức lạm phát cao hoặc các biện pháp giúp đồng lira tăng giá trở lại.
Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt thương mại từ Wasington. Ảnh: Getty. |
Sự im lặng từ phía ngân hàng trung ương khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự độc tài của Tổng thống Erdogan, người vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới hồi tháng trước với nhiều quyền hạn hơn. Nhiều người quan ngại ông Erdogan có thể sử dụng những quyền lực này nhằm gây ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách tiền tệ.
Tổng thống Erdogan phản đối việc tăng lãi suất để chống lạm phát cao, biện pháp mà nhiều chuyên gia tài chính đề xuất. Và sự thất vọng của ông đối với người con rể, Bộ trưởng Tài chính Albayrak, cũng làm gia tăng lo ngại ông sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn đến các chiến lược tài chính của đất nước.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xấu đi nhiều trong những năm gần đây, chủ yếu xuất phát từ sự mâu thuẫn trong vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn nhằm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời không hài lòng với việc Mỹ xây dựng mối quan hệ với lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).