Hội đồng Người tị nạn Na Uy công bố danh sách 10 quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhưng bị cộng đồng quốc tế "bỏ mặc".
1. Nạn đói hoành hành Nam Sudan: Nội chiến tại Nam Sudan đã bước sang năm thứ 5 khiến hơn 2 triệu dân tháo chạy khỏi quốc gia Đông Phi. Những người ở lại không chỉ đối mặt với nhiều tội ác chiến tranh kinh hoàng mà còn có nguy cơ chết đói sau vụ thu hoạch nghèo nàn. "Tôi không biết phải xoay sở như thế nào khi không có thức ăn", cô Mary Nyariakalok nói khi nhặt nhạnh những hạt ngô vương vãi còn sót lại, mong rằng nó có thể nuôi sống 6 đứa con của mình. Ảnh: lbert Gonzalez Farran/NRC.
2. Nơi trú ẩn rách nát của người dân Cộng hòa Dân chủ Congo: Quốc gia nằm tại Trung Phi ít khi xuất hiện trên mặt báo dù có số người gặp nạn bằng Syria. Bạo lực, bệnh tật và suy dinh dưỡng đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. 70.000 người Congo phải chạy trốn khỏi xung đột sắc tộc và trú ẩn trong những lán trại rách nát, sơ sài tại Katanika. Ảnh: Christian Jepsen/NRC.
3. Những đứa trẻ bị bỏ rơi tại Cộng hòa Trung Phi: Bất chấp bạo lực giáo phái leo thang, người dân Trung Phi khốn khổ tiếp tục bị cộng đồng quốc tế bỏ mặc. Ngay cả lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng bị sát hại. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhận được ít viện trợ nhất trong năm 2017. Ảnh: Tiril Skarstein/NRC.
4. Lớp học trong trại tị nạn của trẻ em Burundi: Kể từ năm 2015, hơn 400.000 người dân Burundi phải đi lánh nạn do tình trạng bạo lực đẫm máu liên tiếp xảy ra. Trẻ em Burundi từ 3 đến 17 tuổi chiếm 47% tống số người tị nạn tại quốc gia láng giềng Tanzania. Cơ hội giáo dục trong trại rất hạn chế và hầu hết lớp học diễn ra ngoài trời. Những tán cây trở thành biện pháp trú ẩn duy nhất của các em. Ảnh: Ingrid Prestetun/NRC.
5. Em bé Ethiopia xách can rỗng tìm nước trong vô vọng: Ethiopia nhận được chưa đến 50% tiền viện trợ trong năm 2017 dù đang hứng chịu hạn hán khắc nghiệt nhất trong thập kỷ qua. Trẻ em là đối tượng bị tổn thương nặng nề vì thiếu nước sạch và thực phẩm. Ảnh: Sidney Kung'u/NRC
.
6. Cuộc sống hạng hai của người Palestine: Hàng triệu người Palestine đã sống hơn 50 năm như những công dân hạng hai trên mảnh đất quê hương của họ, dưới sự chiếm đóng, phân biệt đối xử của chính quyền Israel. Em Omaia Ziara, 13 tuổi, thường xuyên phải học bài dưới ánh nến tù mù do nhà ít khi có điện.
Trẻ em tại dải Gaza chịu nhiều chấn thương tâm lý dẫn đến tỷ lệ ác mộng cao bất thường. Ảnh: Wissam Nassar/NRC
.
7. Thuyền nhân Hồi giáo Rohingya: Do không được chính phủ Myanmar công nhận, người Hồi giáo Rohingya phải tháo chạy sau khi bạo động bùng nổ tại bang Rakhine. Những người "không quốc tịch" này hiện tạm trú trên hòn đảo luôn nằm trong nguy cơ sạt lở và lũ lụt tại Bangladesh. Họ không nhận được sự bảo hộ hợp pháp từ bất cứ quốc gia nào. Ingrid Prestetun/NRC.
8. Những đứa trẻ chết trên tay cha mẹ tại Yemen: Cuộc xung đột 3 năm qua ở Yemen đã đẩy hàng triệu người vào nạn đói.
"Mọi người khuyên tôi mang Radwa đến bệnh viện vì con bé đang bị suy dinh dưỡng nặng. Tôi đang phải nhìn đứa con của mình chết dần chết mòn ngay trước mắt. Tại sao họ không để chúng tôi có cuộc sống bình thường?", anh Abdullah, cha của đứa bé, nghẹn ngào đặt câu hỏi khó giải đáp. Ảnh: Karl Schembri/NRC.
9. Người Venezuela ồ ạt tìm đường thoát thân: Hàng nghìn người Venezuela xếp hàng dài mỗi sáng tại biên giới Colombia để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Ảnh: Luis Acosta/AFP/Getty Images.
10. Phiến quân Hồi giáo ám ảnh miền Đông Bắc Nigeria: Từ năm 2009, phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã tổ chức nhiều cuộc tấn công, gây ra cái chết cho 20.000 người và khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tên của tổ chức này có nghĩa là "cấm nền giáo dục phương Tây". Nửa triệu trường học và bệnh viện đã bị phá hủy, khiến nhiều trẻ em Nigeria không có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế. Ảnh: Rosalyn Velds/NRC.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối lệnh bắt giữ, trong khi Thủ tướng Canada tuyên bố sẽ tuân thủ mọi phán quyết của ICC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế.