Trong đánh giá về hiệu suất của thị trường xuất bản sách Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay, Beijing OpenBook (đơn vị theo dõi dữ liệu ngành sách Trung Quốc) nhận thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường đã giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 12,8% so với nửa đầu năm 2019.
Các hạn chế phòng dịch Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường sách Trung Quốc.Ảnh: Publishing Perspectives/Getty iStock. |
Hệ lụy từ các biện pháp phòng dịch
Theo dự đoán của nhiều nhà quan sát quốc tế, nguyên nhân chính của tình hình này là sự bùng phát các ca lây nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc và việc nước này tiếp tục thực hiện những biện pháp giảm thiểu lây lan. Tiêu biểu là sự lo ngại về tình hình dịch bệnh đã khiến các nhà tổ chức Hội chợ sách thiếu nhi quốc tế Thượng Hải phải hoãn lần thứ hai trong năm nay, lần đầu tiên chuyển từ tháng 3 sang tháng 7 và sau đó tiếp tục dời đến tháng 11.
Cũng theo OpenBook, chỉ số bán lẻ trực tuyến và các tác phẩm in của Trung Quốc, được theo dõi từ năm 1999, cho thấy sự sụt giảm liên tục từ tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, “chỉ số này đã tăng trở lại sau tháng 5 khi công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trở nên tốt hơn”, theo nhân viên của OpenBook ở Bắc Kinh.
Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của các cửa hàng sách giảm 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái và của các kênh bán hàng kỹ thuật số cũng giảm 5,8% trong cùng thời kỳ.
OpenBook đánh giá một yếu tố tác động tới thị trường sách nước này là sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhóm nghiên cứu của OpenBook đánh giá: “Dịch bệnh trong nửa đầu năm 2022 không chỉ ảnh hưởng đến doanh số mua hàng trực tuyến từ khách hàng mà còn có tác động lớn hơn đến các kênh bán hàng. Các kênh bán hàng trực tuyến phụ thuộc nhiều vào hậu cần, trong khi các hoạt động phòng chống dịch ảnh hưởng đến hậu cần và kho bãi”.
Hình ảnh tại Hội sách thiếu nhi Thượng Hải năm 2019. Ảnh: Globaltimes. |
Các kênh bán hàng ghi nhận kết quả khác biệt
Về mặt bán lẻ thực tế, doanh thu các hiệu sách của Trung Quốc đã giảm 51,8% so với nửa đầu năm 2019 và giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, vào năm 2021, thị phần của hoạt động bán lẻ trực tuyến Trung Quốc, chủ yếu thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các video ngắn giới thiệu trên Internet và các tùy chọn thương mại điện tử khác, lại ghi nhận đà tăng trưởng khi chiếm gần 80% tổng thể thị trường sách nước này.
Theo OpenBook, khuyến mãi là một trong những yếu tố giúp lĩnh vực bán lẻ kỹ thuật số thành công. Chương trình khuyến mãi thường niên 618 vào giữa tháng 6 vừa qua đã diễn ra sớm hơn và vào tháng 5, các chương trình giảm giá cũng được chia sẻ rất tích cực qua các kênh tiếp thị thông qua video ngắn.
Thậm chí có một số tác phẩm còn được giảm giá tới 62%. Trên các nền tảng thương mại điện tử truyền thống hơn, chiết khấu tăng cao tới 46%. Những con số này là mức giảm đáng kể khi được so sánh với giá tại các cửa hàng sách, thường chỉ chiết khấu khoảng 10%.
Doanh thu thị trường sách Trung Quốc đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Publishing Perspectives/ OpenBook. |
Bên cạnh sự khác biệt trong doanh thu của các kênh bán hàng, lợi nhuận của các thể loại sách cũng rất khác biệt. Đối với kênh tiếp thị bằng video ngắn, khoảng 61,3% doanh số bán hàng là sách dành cho trẻ em. Trên các nền tảng thương mại điện tử, sách dành cho trẻ em cũng như các sách về khoa học xã hội đều có lượt mua hàng rất tích cực, mỗi thể loại chiếm khoảng 26% doanh thu. Còn tại các cửa hàng sách, tài liệu giảng dạy là những mặt hàng bán chạy nhất, ghi nhận khoảng hơn 30% tổng doanh thu.
Khi nhìn vào các đầu sách đã bán được từ trong 6 tháng nay, các nhà phân tích cũng thấy rõ sự khác biệt của các kênh bán hàng. Cụ thể, các nền tảng thương mại điện tử truyền thống bán ra khoảng 52.000 đầu sách, các kênh thương mại điện tử khác cung cấp tới 31.000 đầu sách, hoạt động bán lẻ thực tế có khoảng 20.000 đầu sách trong khi hoạt động tiếp thị qua video ngắn chỉ bán khoảng 6.000 đầu sách.
Như vậy, dù các kênh video ngắn đang nổi lên là một kênh bán hàng đáng chú ý trong thị trường sách nhưng số lượng đầu sách họ cung cấp trong nửa đầu năm này là khá hẹp so với các kênh khác. Như vậy, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm về xu hướng phát triển của kênh bán hàng qua video tại thị trường Trung Quốc, bên cạnh hoạt động của các kênh bán hàng truyền thống khác.