Trong khung khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô (Dự án GIZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo: “Kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học đối với Việt Nam” nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong phân tích thị trường, chính sách cạnh tranh, hoạch định chính sách nhằm phát triển thị trường điện ở Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, xây dựng thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam là một chủ trương nhất quán của Việt Nam.
Tương tự như ngành điện các nước khác trên thế giới, hoạt động kinh doanh của ngành điện Việt Nam cũng được phân chia thành các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán buôn, bán lẻ điện. Để nâng cao sức cạnh tranh của thị trường điện, ông Cung cho rằng, cần quan tâm đến chính sách quản lý điện bên cạnh thị trường.
“Phần chính sách cần được đưa về các đơn vị kinh doanh. Chúng ta cần xem giá điện, phân phối, bán lẻ... là bao nhiêu, chúng ta cần biết cơ cấu chi phí của hệ thống… Từ đó, từng bước hoàn thiện và nâng cao sức cạnh tranh của toàn thị trường”, ông Cung nói.
Cũng như các loại hàng hóa khác, thị trường điện ở Việt Nam đã hình thành và hoạt động ngay khi có điện. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hàng hóa điện và tính chất kinh tế kỹ thuật của ngành điện, thị trường điện Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều được hình thành, phát triển từng bước phù hợp với trình độ phát triển của ngành điện, trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn.
Chia sẻ kinh nghiệm thị trường điện cạnh tranh, GS.TS Andreas Polk, Trường đại học Kinh tế và Luật Berlin cho biết, khi tự do hóa, diễn biến thị trường ở Đức trở nên sôi động từ năm 2007-2008; khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay tăng gấp đôi tính từ năm 2009; xu hướng giá giảm khoảng 50% so với năm 2008.
Theo GS.TS Andreas Polk, khi tự do hóa, thị trường điện ở Đức sẽ đặt ra yêu cầu minh bạch trong cơ cấu giá. Đặc biệt, các lợi ích của việc chuyển đổi thị trường năng lượng ở Đức là bền vững sinh thái, bền vững kinh tế; giảm quyền lực thị trường; giảm giá thành, ngày càng độc lập trong nhập khẩu, phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu…
Về lộ trình phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, Thạc sĩ Lê Hồng Hải, chuyên gia thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thu được những thành công, nổi bật là việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện.
Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh tăng nhanh, thì thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao. Khoảng 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện…
Để nâng cao thị phần các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện, ông Hải cho rằng, ngành điện cần quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc các nhà máy điện mới chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường điện và nghiên cứu phương án tham gia thị trường điện của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà mát điện BOT.
Đặc biệt, hệ thống quản lý thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ cần được đầu tư, phát triển đáp ứng yêu cầu thiết kế của thị trường. Quá trình các hệ thống này theo kinh nghiệm quốc tế sẽ cần khoảng 3-4 năm để hoàn thiện.
Chuyên gia Cao Đạt Khoa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xem xét luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, thể hiện cam kết nhất quán, kiên định về định hướng thị trường điện, từng bước ngành điện hoạt động đúng theo quy luật cơ bản thị trường về quan hệ cung - cầu, giá cả.
Đồng thời, thay đổi hành vi tiêu dùng điện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và chấp nhận cơ chế thị trường trong ngành điện. Các vấn đề công ích, xã hội sẽ được Nhà nước giải quyết trực tiếp đến đối tương ưu tiên, không thực hiện qua doanh nghiệp như hiện nay.
Khi tự do hóa, diễn biến thị trường ở Đức trở nên sôi động từ năm 2007-2008; khối lượng giao dịch trên thị trường giao ngay tăng gấp đôi tính từ năm 2009; xu hướng giá giảm khoảng 50% so với năm 2008.