Trong báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gửi Quốc hội, 42 ý kiến tham gia chất vấn Bộ Trưởng Công Thương gần như đều liên quan đến giá điện. Các ý kiến này xoay quanh việc điều hành, cách tính giá cũng như yếu tố độc quyền của EVN.
Cử tri nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Bình Dương, Lâm Đồng, Phú Yên cho biết, giá điện ngày càng càng tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, chất lượng điện tại một số nơi còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân. Quy định về giá lắp đặt công tơ điện chưa được thống nhất nên các hộ dân phải thỏa thuận để được lắp nhưng phải trả phí cao.
Nhiều tỉnh thành khác nêu băn khoăn về cách tính giá điện. “Biểu giá điện lũy tiến với 6 bậc thang như hiện nay đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, đặc biệt là người dân đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
Những vấn đề cử tri muốn chất vấn Bộ Công Thương phần lớn liên quan đến giá điện. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, người dân sử dụng điện từ mức 100kWh lên 101kWh mức giá đã tăng 253 đồng/kWh; từ 200kWh đến 201kWh giá điện có mức tăng 456 đồng/kWh; nhưng từ 300kWh đến 301kWh mức tăng lại chỉ còn 261 đồng và với bậc thang cao nhất thì mức tăng lại giảm xuống chỉ còn 84 đồng/kWh, không có sự thống nhất theo nguyên tắc chung”, cử tri các tỉnh Hải Phòng, Long An, Quảng Ngãi nêu kiến nghị.
Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu tính toán giá điện cho phù hợp với một nguyên tắc chung là “dùng càng nhiều thì giá càng cao”, nâng mức sử dụng điện bậc 1, vì mức 0-50kWh hiện nay rất thấp. Bên cạnh những thắc mắc về cách tính lũy tiến tạo ra bất cập, một số ý kiến khác cho rằng, cách tính cùng một giá điện đối với các hộ, doanh nghiệp có mức sử dụng điện khác nhau là không công bằng.
Giá điện những tháng gần đây tăng cao đột biến, theo cử tri Bắc Ninh, Nghệ An là do áp dụng biểu giá điện bất hợp lý. Đề nghị xây dựng phương án giá điện nên phân tầng giá giữa sản xuất kinh doanh và hộ gia đình. Cử tri Cần Thơ, TP HCM đề nghị Bộ nên cân nhắc kỹ về việc quy định giá bán điện theo bậc thang, tránh tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng điện có thu nhập thấp. Kiến nghị được đưa ra là áp dụng quy định giá bán điện hợp lý ở 3 bậc (gồm: bậc 1 từ 0-200 kWh; bậc 2 từ 201-400 kWh và bậc 3 từ 401 kWh trở lên).
Vấn đề độc quyền điện cũng được nhiều cử tri nêu trong bản chất vấn Bộ Công Thương. Cử tri Hải Phòng cho biết, việc xây dựng chính sách giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương phối hợp thực hiện như hiện nay là không hợp lý.
Phương án đưa ra là cần phải có sự tham gia của một số cơ quan độc lập như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Kiểm toán nhà nước cùng nghiên cứu và đề xuất giá điện, như vậy mới có được sự hợp lý, công bằng cho cả người dân và ngành điện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu lại vừa là quản quản lý kiêm giám sát hoạt động của ngành điện là bất cập. Phương án đưa ra là tách Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra khỏi Bộ, để cho một cơ quan độc lập khác quản lý, giám sát thay vì là chủ sở hữu với chức năng giám sát hoạt động trực tiếp trên cùng một đơn vị như hiện nay.
Việc người dân phải dùng điện giá cao, theo cử tri Hải Phòng, là do EVN độc quyền kinh doanh điện tạo ra sự thiếu công bằng với doanh nghiệp tư nhân. Do đó, các cử tri đề nghị Bộ Công Thương thực hiện quyết liệt việc xây dựng một thị trường cạnh tranh thực sự lành mạnh trong sản xuất và mua bán, tiêu thụ điện trước năm 2020.