Một tuần sau khi cho nhận đặt trước sản phẩm Xperia Z3+, lượng đơn đặt hàng tại một hệ thống bán lẻ lớn trong nước chưa vượt quá con số 10. “Z3+ có lượng đặt hàng thấp. Doanh số bán LG G4, HTC One M9 èo uột. Chỉ có iPhone và Galaxy S6 có sức bán ổn dịp giữa năm này”, anh Nguyễn Huy - đại diện hệ thống bán lẻ nói trên chia sẻ. Tuy nhiên, Galaxy S6 cũng chỉ bán tốt trở lại sau khi hãng đưa ra chính sách hỗ trợ đổi máy cũ.
Tính đến tháng 6/2015, toàn bộ các hãng di động lớn trong nước đã tung ra át chủ bài. Đáng tiếc, phần nhiều các sản phẩm này không tạo hiệu ứng lớn nào ngoài giá bán cao. Xperia Z3+ chào bán giá 17,99 triệu đồng, HTC One M9 giá 16,99 triệu đồng. Sản phẩm của LG có giá dễ chịu hơn đôi chút, từ 13,99 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu muốn sở hữu bản vỏ da, số tiền người dùng bỏ ra vẫn lên đến 15,99 triệu đồng. Bộ 3 model này nhận nhiều chỉ trích về việc máy có ít thay đổi về kiểu dáng cũng như tính năng so với thế hệ trước.
Các mẫu di động cao cấp chính hãng có mức chênh giá lớn so với hàng xách tay. Ảnh: Phonearena. |
Giá bán cao là rào cản lớn khiến các sản phẩm này khó tiếp cận thị trường, nhất là khi máy xách tay hiện có giá khá tốt. Xperia Z3+ và Z4 (bản dành riêng cho thị trường Nhật) hàng xách tay vừa về nước đã bán với giá 13-14 triệu đồng, hoàn toàn không có hiện tượng hét giá như các năm trước đây. Với đà này, nhiều người dự đoán, thời điểm giá bán của máy hạ xuống mức 11-12 triệu đồng không xa. Khi đó, mức chênh của nó với máy chính hãng lên đến 6-7 triệu đồng. Đây cũng là mức chênh của S6 hàng xách tay so với máy chính hãng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những dòng máy tầm trung chất lượng cao cũng khiến một bộ phận người dùng chuyển hướng, nhằm tiết kiệm một khoản tiền lớn. Chẳng hạn, HTC One E8 vừa trở lại thị trường có giá 6,5 triệu đồng, Asus Zenfone 2 với RAM 4 GB có giá 7 đến 7,5 triệu đồng. Anh Nguyễn Huy cho biết, Zenfone 2 bản cấu hình cao nhiều lần rơi vào tình trạng cháy hàng, trong khi One E8 đã nhận khoảng 200 đơn đặt trước trong khoảng 10 ngày qua.
Chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, nhiều người cho biết họ mơ ước được sở hữu các sản phẩm di động cao cấp với mức giá hợp lý, ít nhất ngang bằng với thị trường quốc tế. “Người dùng tại các thị trường lớn có mức thu nhập cao hơn người Việt Nam nhiều lần nhưng giá bán smartphone lại tốt hơn Việt Nam. Lẽ ra, các hãng cần làm điều ngược lại”, anh Minh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Tại Mỹ, một chiếc di động cao cấp được bán với giá phổ biến 600-650 USD (khoảng 12,7-13,6 triệu đồng). Trong khi đó, phần lớn các mẫu máy này khi về Việt Nam có giá không dưới 16 triệu đồng. Nhiều chuyên gia đề cập đến hiện tượng “đánh đu thương hiệu” của các ông lớn để khẳng định đẳng cấp, thay vì thực sự muốn cung cấp một sản phẩm giá tốt đến người dùng. Họ có trong tay các chiêu giảm giá, xả hàng trong trường hợp máy không bán được.
Một số thương hiệu chào bán máy với giá rất cao, đồng thời để mức chiết khấu lớn cho đại lý. Phía đại lý sau đó chủ động giảm chiết khấu để bán máy giá tốt hơn nhằm thu hút khách hàng. Đó cũng là lý do khiến hiện tượng loạn giá xảy ra. Tất cả tạo ra một thị trường di động cao cấp rối rắm, mất kiểm soát.