HTC vừa công bố cho bán trở lại chiếc One E8 – bản vỏ nhựa của smartphone One M8 – tại thị trường Việt Nam. Mức giá mới cho sản phẩm này là 6,5 triệu đồng. Trong lần đầu tiên về nước (8/2014), máy được định giá 12 triệu đồng.
HTC One E8 là model mới nhất về Việt Nam theo diện xả hàng. Ảnh: Duy Tín. |
Model bán ra tại Việt Nam lần này là bản 2 SIM. Đây tiếp tục là sản phẩm hàng tồn tại thị trường nước ngoài, đem về Việt Nam xả hàng, giống trường hợp của HTC 8X, 8S hay Rhyme trước đây.
Là những sản phẩm không ăn khách, nhưng khi về Việt Nam bán xả hàng, model như One E8 lại được săn đón.
Các đại lý đang đua nhau nhập One E8 với số lượng lớn. “Cửa hàng dự định nhập 500 máy. Có những bên nhập 1.000 đến 1.500 chiếc, đề phòng tình trạng cháy hàng như HTC 8X trước đây”, anh H. – đại diện một hệ thống bán lẻ lớn chia sẻ. Anh này cũng cho biết, các đại lý đã lên kế hoạch marketing cụ thể cho sản phẩm One E8 trong đợt này.
Nhiều người không quên cảnh các cửa hàng giành nhau từng máy một khi HTC 8X lên cơn sốt hay việc đặt cọc trước cả tháng vẫn không mua được BlackBerry Z10 chính hãng giá 4,5 triệu đồng.
“Mức giá quyết định tất cả”. Anh Nguyễn Huy – đại diện hệ thống CellphoneS nhận định. “Người dùng không quan tâm lắm đến việc nó là sản phẩm thành công hay thất bại. Chỉ cần máy có mức giá tốt so với cấu hình, họ sẽ săn đón sản phẩm. Những model bán xả hàng tại Việt Nam đều đáp ứng được tiêu chí này”, anh nói
Lấy HTC One E8 làm ví dụ, anh Huy cho biết, trong tầm giá hơn 6 triệu đồng, người dùng không thể được sản phẩm chính hãng sử dụng chip Snapdragon 801. Ngoài ra, những thông số như RAM 2 GB, màn hình 5 inch Full HD hay bộ nhớ trong 16 GB đều ấn tượng. Để so sánh, sản phẩm cùng tầm giá (6,5 triệu đồng) là Sony Xperia M4 Aqua chỉ có chip tầm trung và bộ nhớ trong 8 GB.
Một yếu tố khác khiến những chiếc điện thoại hết thời này gây chú ý, đó là thông điệp “giảm giá” hay “xả hàng” đi kèm với nó. “Không riêng điện thoại, các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng khi gán mác giảm giá, xả hàng đều thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam”, anh Nguyễn Huy chia sẻ.
Nhờ các chương trình xả hàng nói trên, người dùng có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm tốt, giá hợp lý. Tuy nhiên, theo nhiều chủ hàng, việc kéo dài tình trạng này không phải giải pháp hay. Hãng sản xuất sẽ tiếp tục chào giá những sản phẩm cao cấp ở mức “trên trời” để chạy đua thương hiệu, khi không bán được hàng lại tiếp tục điệp khúc giảm giá bởi họ tin tưởng, người dùng sẽ lại săn đón sản phẩm khi giá bán giảm.
Khi đó, người dùng có ít đi cơ hội trải nghiệm những model mới, tính năng tốt nhất, thay vào đó, họ phải chờ cho đến khi chúng hết thời để tìm kiếm mức giá hợp lý hơn.