Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường dầu ăn: Màu mỡ nhưng không dễ ăn

Việc Vocarimex cổ phần hóa đang là cơ hội lớn để các DN (doanh nghiệp) muốn thâm nhập vào lĩnh vực dầu ăn hoặc các DN trong ngành muốn củng cố vị thế.

Ngày 25/7 tới đây, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật VN - Vocarimex sẽ thực hiện IPO với việc đấu giá công khai 31,1% cổ phần lần đầu ra công chúng. Đây là đợt IPO dành được khá nhiều sự quan tâm vì Vocarimex đang nắm giữ các công ty con và liên kết với tổng thị phần trong ngành dầu ăn khoảng hơn 70%.

Cùng họ đọ nhau

Theo Euromonitor đánh giá, dầu ăn ước tính tăng khoảng 7% về sản lượng và khoảng 12% về giá trị trong năm 2013. Thị trường dầu ăn VN hiện có khá nhiều DN tham gia nhưng chỉ Cái Lân và Tường An là có thị phần đáng kể. Theo số liệu được Công ty chứng khoán HSC trích dẫn, hiện Cái Lân đứng đầu 37,3% thị phần, Tường An đứng thứ 2 với 22,8% thị phần.

Lợi nhuận sau thuế của Cái Lân và Tường An (ĐVT: tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế của Cái Lân và Tường An (ĐVT: tỷ đồng).

Hiện Vocarimex nắm cổ phần chi phối (51%) đối với Dầu ăn Tường An, 27% cổ phần của Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), 32% cổ phần của Dầu thực vật Cái Lân và 49% cổ phần của Golden Hope Nhà Bè.

Công bố trong tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2014 vừa được tổ chức vào ngày 26/4 vừa qua, kết quả đạt được năm 2013 của Công ty CP Dầu thực vật Tường An khá khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) đều tăng lần lượt là 6,4% và 3,2% so với năm 2012.

Mặc dù nhận định năm 2014 vẫn còn khó khăn khi sức mua chưa được cải thiện nhiều, phân khúc sử dụng sản phẩm giá thấp vẫn chiếm phần lớn, nhưng kế hoạch năm 2014, Tường An vẫn đặt ra lộ trình đạt 150 ngàn tấn sản phẩm tiêu thụ, bằng 91% so với năm 2013, doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 95,5% và LNST đạt 50 tỷ đồng, bằng 76%.

Để thực hiện kế hoạch này, năm 2014, Tường An cũng lên kế hoạch triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư tại nhà máy dầu Vinh, khai thác hiệu quả công suất ở các nhà máy, đặc biệt là nhà máy dầu Phú Mỹ.

Còn Vocarimex, năm 2013 doanh thu của công ty đạt 24.000 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2011-2013) tăng 11,4%/năm. Kết quả này là nhờ công ty đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại với quy mô sản xuất dầu thực vật tinh luyện đạt gần 1 triệu tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến năm 2015.

Kế hoạch năm 2014, công ty sẽ đầu tư 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy hiện nay là Nhà máy Dầu thực vật Vocarimex, Dầu Hiệp Phước, Dầu Quảng Ninh nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy này. Đến cuối năm 2014, tổng công suất tinh luyện đạt 1,1 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Vocarimex xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa với công suất 495.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Dư địa tăng trưởng cao, tỷ suất lợi nhuận thấp

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe là 13,5kg/người/năm, trong khi đó, ở VN con số này mới chỉ mới đạt 7kg/người/năm, dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Euromonitor ước tính, tiêu thụ dầu thực vật trên đầu người tại VN năm 2015 được dự báo sẽ tăng lên mức 14,5kg/người/năm. Nghĩa là dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ suất lợi nhuận của ngành này không cao so với các ngành sản xuất thực phẩm nói chung. Đơn cử, tỷ suất lợi nhuận gộp của Tường An và Nakydaco năm 2013 lần lượt là 9,7% và 5,8% so với con số bình quân 23,4 % của ngành sản xuất thực phẩm nói chung. Riêng Vocarimex, tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ xoay quanh 3,2 -3,5%.

Nguyên nhân chính được cho là do biến động giá của nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bên cạnh lý do vì doanh thu ngành dầu rất bấp bênh do cạnh tranh gay gắt, mức tiêu thụ dầu ăn lại giảm xuống do xu hướng người tiêu dùng hạn chế đồ chiên.

http://dddn.com.vn/thi-truong/thi-truong-dau-an-mau-mo-nhung-khong-de-an-20140711013924306.htm

Theo Phương Quyên/ Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm