Cảnh sát Seoul sáng sớm ngày 10/7 xác nhận thi thể của ông Park đã được tìm thấy ở một ngọn đồi phía bắc Seoul, chỉ vài giờ sau khi con gái báo ông mất tích.
Phía cảnh sát không cung cấp nguyên nhân cái chết. Họ cho biết không có dấu hiệu tội phạm, nhưng sẽ cần điều tra chi tiết, theo Reuters.
Thi thể của ông Park Won Soon được đưa đi. Ảnh: AFP. |
Cáo buộc gây sốc về ngôi sao chính trị
Tin về cái chết của ông Park và nghi vấn quấy rối tình dục gây sốc trên khắp Hàn Quốc, không chỉ vì ông là ngôi sao chính trị, thuộc tầng lớp tinh hoa của xã hội, lãnh đạo thủ đô Seoul với tận 1/5 dân số Hàn Quốc, mà còn vì từ lâu ông đã là người bảo vệ quyền phụ nữ.
Những đồn đoán rằng ông Park có thể đã tự sát nổi lên vào ngày 9/7, khi vị thị trưởng 64 tuổi này hủy bỏ lịch làm việc, xin nghỉ ốm, chỉ một ngày sau khi thư ký của ông nộp đơn tố cáo. Con gái ông nói với cảnh sát rằng ông đã rời nhà sau khi để lại thông điệp khó hiểu, “giống những lời tuyệt mệnh”, Yonhap dẫn một nguồn tin cảnh sát ẩn danh.
Phía cảnh sát cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành sau cáo buộc hình sự nhắm vào ông Park, nhưng không cung cấp chi tiết.
Thi thể ông được phát hiện sau khi gần 600 cảnh sát và nhân viên cấp cứu, dùng cả chó nghiệp vụ và drone, tìm kiếm các ngọn đồi phía bắc Seoul, vì đó là nơi cuối cùng có tín hiệu điện thoại của ông.
Sau khoảng ba giờ, thi thể của ông được đưa ra trên cáng và chuyển vào bệnh viện, theo phóng viên ảnh của Reuters ở hiện trường.
Ông Park, đang trong nhiệm kỳ thị trưởng Seoul thứ ba, thường được coi là người kế nhiệm sáng giá của Tổng thống Moon Jae In. Tổng thống Hàn Quốc chỉ được một nhiệm kỳ, và ông Moon sẽ mãn nhiệm năm 2022, cùng năm mà nhiệm kỳ thị trưởng của ông Park kết thúc.
Ông Park Won Soon (giữa) vào năm 2019. Ảnh: AFP. |
Trước khi trở thành thị trưởng, ông Park là luật sư nhân quyền nổi tiếng từng lập ra nhóm hoạt động quyền dân sự có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc.
Khi là luật sư, ông làm nên tên tuổi nhờ thắng những vụ kiện lớn, bao gồm vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên của Hàn Quốc. Ông cũng vận động cho quyền của “phụ nữ mua vui”, tức những phụ nữ Hàn Quốc bị phát xít Nhật bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II.
Trong thời độc tài quân sự ở Hàn Quốc thập niên 1980, ông Park góp phần trong việc kết án một cảnh sát đã cưỡng hiếp một nữ sinh trong khi thẩm vấn. Trong thập niên 1990, ông góp phần đòi được bồi thường cho một trợ giảng ở Đại học Quốc gia Seoul cáo buộc bị giáo sư sa thải vì từ chối tình cảm của ông.
Ngay trước khi ông mất tích, đài truyền hình SBS bất ngờ đăng tin một trong các thư ký của ông Park tố cáo ông quấy rối tình dục, cụ thể là các hành vi đụng chạm thân thể trái ý muốn.
Những hành động này đã bắt đầu từ năm 2017. Người thư ký còn nói với các điều tra viên rằng có một số phụ nữ khác tại Tòa thị chính Seoul bị ông Park quấy rối tình dục tương tự trường hợp của mình. Một bản tin khác trên đài truyền hình MBC cũng đưa ra thông tin tương tự.
Dư âm phong trào #MeToo
Theo New York Times, những năm gần đây, phong trào #MeToo được hưởng ứng trên khắp Hàn Quốc. Nhiều phụ nữ lên tiếng, công khai các cáo buộc quấy rối tình dục nhắm đến hàng loạt những người đàn ông quyền lực, buộc họ phải từ chức hoặc xin lỗi, thậm chí bị truy tố: từ chính khách, giáo sư đến giám đốc nhà hát và lãnh đạo tôn giáo.
Tháng 4, Thị trưởng Busan Oh Keo Don thừa nhận và từ chức, sau khi một công chức cáo buộc ông tấn công tình dục trong văn phòng.
Năm 2018, Ahn Hee Jung, ngôi sao chính trị đang lên trong đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon, phải từ chức sau khi thư ký lên truyền hình cáo buộc ông tấn công tình dục. Ông bị kết án 3,5 năm tù với tội danh hiếp dâm.
Ông Park, ông Oh và ông Ahn đều là các đồng minh chính trị nổi bật của ông Moon Jae In, và các vụ việc trên đang là bất lợi lớn cho đảng Dân chủ cầm quyền, theo trường phái tự do, cấp tiến.
Những chính khách theo trường phái này vẫn thường được xã hội đánh giá cao về đạo đức, hơn là các chính khách thuộc phe bảo thủ vốn có nhiều liên hệ với quá khứ độc tài quân sự ở nước này.
Cuộc tìm kiếm cần tới 600 cảnh sát và nhân viên cứu hộ. Ảnh: Reuters. |
Về phần mình, Thị trưởng Seoul Park Won Soon từng góp phần lập ra nhóm Người dân Đoàn kết Tham gia Chính trị, một trong những nhóm dân sự ảnh hưởng nhất Hàn Quốc, từng vận động chống lại mối quan hệ đầy bê bối và tham nhũng giữa chính trị và doanh nghiệp.
Ông cũng nổi tiếng vì phê phán kịch liệt sự bất bình đẳng và chống lại cựu tổng thống Park Geun Hye. Ông có vai trò chủ chốt trong các cuộc biểu tình khổng lồ ở trung tâm Seoul dẫn đến bà bị luận tội và mất chức năm 2017.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước thuộc khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), nhưng việc chính khách nước này tự tử vì bê bối là hiếm.
Trước đây, cựu tổng thống Roh Moo Hyun từng tự tử giữa các cáo buộc tham nhũng nhắm vào gia đình ông năm 2009.
Một chính khách nổi tiếng khác của phe đảng Dân chủ, ông Roh Hoe Chan, cũng tự tử năm 2018 khi có cáo buộc tham nhũng.