Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường bán lẻ đừng kỳ vọng thái quá vào FTA

Những Hiệp định thương mại là điểm tích cực cho thị trường, nhưng để thay đổi thói quen mua sắm của người Việt Nam cần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

4 tháng sau khi chính thức kết thúc đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết tại Bỉ. Hiệp định này ký kết được cho là mở ra thời kỳ mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với một trong những thị trường lớn và khó tính nhất thế giới - 28 quốc gia châu Âu.

2015 là năm mà nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng được ký kết, trong đó được chờ đợi nhất là TPP. Ngoài ra, cũng trong năm nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan; gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm.

Ở phân khúc hàng cao cấp, một số nhà bán lẻ cho biết, 30% doanh số bán hàng tại TP HCM là bán cho khách đến từ các quốc gia láng giềng. Ảnh: Z.Nguyễn.

Hàng loạt FTA được ký kết đang mở ra cơ hội lớn cho thị trường bán lẻ, khi các nhà đầu tư ngoại liên tiếp đổ vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào sức tăng trưởng của thị trường này từ các FTA.

 “Những hiệp định thương mại là điểm tích cực cho thị trường, và tôi đang thấy có sự kỳ vọng hơi nhiều vào nó. Về lý thuyết thì sẽ có rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, công ty nước ngoài đến làm ăn. Thị trường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu khi hoạt động giao thương nhộn nhịp hơn. Nhưng với trường hợp của Việt Nam thì nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, cần phải thúc đẩy kinh tế hộ gia đình cao hơn, cải thiện thói quen sinh hoạt và mua sắm gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại..) thì mới phát triển được”, ông Theodore Knipfing, Giám đốc dịch vụ bán lẻ Cushman&Wakefield châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ nhân chuyến công tác đến Việt Nam.

Vị này cũng cho rằng, thực tế, việc ký kết các FTA rất quan trọng, bởi tự do hàng hóa, các rào cản thương mại và thuế quan được xóa bỏ. Tuy nhiên, đây là những tác động đến từ bên ngoài. Để thị trường bán lẻ trưởng thành phải mạnh từ bên trong.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang kỳ vọng thêm nhiều đột phá khi các FTA liên tiếp được ký kết. Ảnh: D.Bình.

Đại diện Cushman&Wakefield cho biết, các nhà bán lẻ quốc tế thật sự quan tâm đến thị trường châu Á, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là Việt Nam sau khi TPP được ký kết. Rất nhiều người hào hứng và trông đợi TPP sẽ làm thay đổi và phát triển thị trường bán lẻ.

"Tôi cho rằng, hiệp định chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích, song không phải doanh số bán lẻ đột nhiên tăng đột biến, hay sự gia nhập rầm rộ của các nhà bán lẻ nước ngoài. Thực tế, những thành phần tham gia vào thị trường bán lẻ hiện nay như các nhà bán lẻ trong nước, các nhà phát triển bất động sản, người dân… mới giúp các nhà bán lẻ nước ngoài quyết định gia nhập thị trường hay không", ông Theodore Knipfing nói thêm.

Chuyện kỳ vọng hàng loạt thương hiệu cao cấp sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, người Việt được tiếp cận hàng hiệu giá rẻ khi TPP có hiệu lực, cũng được Cushman&Wakefield lưu ý. Thực tế, thị trường hàng hóa cao cấp chỉ chiếm 5% phân khúc thị trường bán lẻ và có đối tượng khách hàng riêng biệt.

“Theo tôi được biết thì tại đa số các nước châu Á, mức thuế cao nhất được áp dụng cho hàng hóa xa xỉ, nằm trong khoảng 20-30%, và các mặt hàng này không bị ảnh hưởng gì bởi TPP, vì vẫn bị đánh thuế như thường. Chỉ có các loại hàng hóa tầm trung, phổ thông sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng rào thuế quan được gỡ bỏ”, ông Theodore Knipfing cho biết.

Một điều khá thú vị được đại diện này chia sẻ là đối tượng khách mua hàng hiệu ở Việt Nam không phải người bản địa, mà là khách đến từ các nước láng giềng, trong đó rất nhiều người đến từ Campuchia và Myanmar. Một số nhà bán lẻ chia sẻ, 30% doanh số bán hàng tại TP HCM là bán cho khách du lịch đến từ các quốc gia láng giềng. Riêng với người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người dân TP HCM, họ rất nhạy bén về giá cả. Nếu hàng hóa cao cấp tại TP HCM có giá đắt hơn, dịch vụ kém hơn Singapore thì họ sẵn sàng mua vé máy bay giá rẻ đến Singapore vào cuối tuần và mua sắm ở đó.

 

 

 

H.Linh

Bạn có thể quan tâm