Ton Poh Thai Fund: Quỹ mới trên TTCK
Tính đến 31/10/2015, Ton Poh Thai Fund có giá trị tài sản ròng khoảng 135 triệu USD. Năm ngoái, tỷ suất sinh lời của quỹ này đạt 25% và bình quân đạt 20% trong suốt 10 năm qua. Ton Poh hiện đang sở hữu 2,5 triệu cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotec (5,79%); 1,2 triệu cổ phiếu SKG của CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (5,02%) và 11,37 triệu cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (chiếm 4,88% vốn).
Số lượng cổ phiếu nắm giữ của Ton Poh hiện chưa nhiều, nhưng đây là một gương mặt mới tiềm năng, rất có thể trong thời gian tới quỹ này sẽ tiếp tục giải ngân trên TTCK Việt .
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật đến ngày 20/10/2015, Thái Lan đã lọt TOP 10 các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 406 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7 tỷ USD, chiếm 2,58% tổng số vốn đăng ký nước ngoài vào Việt Nam (xem bảng).
Ông Chatikavanij đã thành lập Quỹ năm 2005 với kỳ vọng sẽ nắm bắt được các cơ hội đầu tư sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 tại Thái Lan. Quỹ đầu tư có quy mô hơn 130 triệu USD này đã đầu tư vào 10 -15 loại cổ phiếu và nắm giữ trung và dài hạn.
“Chúng tôi muốn là nhà đầu tư, chứ không phải lướt sóng. Mục tiêu của chúng tôi là đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng giá và có định giá hợp lý. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong số này đang bị bỏ quên”, ông Chatikavanij khẳng định.
Năm ngoái, TTCK Thái Lan đã có một sự khởi đầu tồi tệ với mức giảm 6,5% trong ngày đầu tiên giao dịch. Nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lúc đó, Chatikavanij đã chớp lấy cơ hội và giải ngân toàn bộ khi thị trường giảm sâu.
Mua vào trong thời điểm nhạy cảm đã mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng cho Ton Poh. Quỹ này kiếm lợi nhuận cao nhất 25% trong giai đoạn đầu năm 2014. Tuy nhiên, vào quý cuối cùng của năm, lợi nhuận của Quỹ có sự sụt giảm, nên đến cuối năm, Quỹ đã tăng tỷ trọng tiền mặt lên khoảng 30% và mức chốt lãi đạt khoảng 17,3%.
Cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư Thái
Nếu như Ton Poh đang “làm quen” với cách đầu tư vào doanh nghiệp Việt thì nhiều tập đoàn Thái Lan trước đó đã nhắm đến doanh nghiệp Việt qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Tại lĩnh vực bán lẻ, Berli Jucker thuộc ThaiBev của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An, qua đó, kiểm soát 99% cổ phần của Phú Thái Group. BJC của Thái Lan cũng đã mua lại Metro Vietnam; Central Group thông qua Power Buy đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim…
Trong lĩnh vực thực phẩm, ThaiBev đã nắm quyền sở hữu tại Fraser & Neave (F&N) -Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore, Tập đoàn hiện đang sở hữu 11% cổ phần Vinamilk. Tập đoàn CP của Thái hiện cũng đang “làm mưa, làm gió” tại thị trường chăn nuôi Việt.
Trong lĩnh vực công nghiệp, SCG của Thái Lan đã mua thâu tóm Công ty gạch Prime, thông qua The Nawaplastic Industries. SCG cũng đã sở hữu hơn 20,4% cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần tại CTCP Nhựa Tiền Phong. Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT mới đây đã bày tỏ ý định muốn đầu tư vào Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), nhưng hiện nay, hồ sơ dự án này vẫn chưa nộp đến tay cơ quan cấp phép.
Trong lĩnh vực logistic, Kan Air (Thái Lan) đã liên doanh với Vietjet Air (Vietnam) thành lập Hãng hàng không liên doanh ThaiVietjet với tỷ lệ sở hữu của Kan Air là 51% và Vietjet Air 49%. Liên doanh này được cấp phép vào cuối năm 2014 và đã vận hành vào ngày 29/3/2015. Thai Vietjet sẽ khai thác các đường bay nội địa Thái Lan, cũng như các đường bay quốc tế từ Thái Lan tới các điểm đến trong khu vực như Myanmar, Lào và Campuchia, mở rộng thêm mạng bay từ Việt Nam đang được khai thác bởi Vietjet Air…
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cập nhật đến ngày 20/10/2015, Thái Lan đã lọt TOP 10 các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 406 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7 tỷ USD, chiếm 2,58% tổng số vốn đăng ký nước ngoài vào Việt Nam (xem bảng).
Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. AEC sẽ trở thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, theo đó, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển giữa các nước trong khối. Các thị trường sẽ đan xen với nhau xuất phát từ sự “đổ bộ” của các tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn mạnh vào các thị trường còn tiềm năng hoặc có lợi thế.
Doanh nghiệp Việt ứng biến ra sao với diễn biến này? Trong khi quyết sách nới room đang được các cơ quan chức năng tập trung hướng dẫn để thực thi được, thì với các doanh nghiệp, việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vừa là cơ hội đón dòng vốn mới, nhưng cũng là thách thức nếu doanh nghiệp muốn giữ thương hiệu Việt, giá trị Việt đã tạo dựng nên.