Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'FTA với EU tác động mạnh không kém TPP'

Hiệp định thương mại tự do mới được kỳ vọng giúp GDP Việt Nam tăng thêm 10-15%, xuất khẩu sang thị trường EU tăng 30-40%, và trở thành đòn bẩy cho quá trình cải cách thể chế.

4 tháng sau khi chính thức kết thúc đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ. FTA này mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với một trong những thị trường lớn và khó tính nhất thế giới - 28 quốc gia châu Âu.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: "Tác động của EVFTA đến Việt Nam sẽ mạnh không kém gì TPP". Tuy nhiên, tác động này lại đến sớm hơn và nhanh hơn vì lộ trình ký kết đã hoàn tất và sớm được thực thi.

"EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam về thương mại, tổ chức sản xuất và tổ chức xã hội, trong đó có cải cách thể chế, cơ cấu. Tuy nhiên, xét đến cùng thì đây là vấn đề có đi có lại, nghĩa là mở cửa cho cả Việt Nam lẫn đối tác. FTA giữa EU và Việt Nam ký kết trong thời điểm chúng ta cũng có những cam kết với nhiều quốc gia, khu vực khác, nên cùng lúc ta sẽ phải hội nhập sâu hơn, rộng hơn, và quá trình thay đổi sẽ phải nhanh chóng hơn", ông Thành nêu quan điểm.

Thời điểm kết thúc đàm phán vào tháng 8, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU tới đây sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định này, với con số dự kiến là tăng trưởng thêm 4-6%, ngoài phần đã tăng thêm hàng năm nếu không có FTA.

Trong khi đó, bà Maylis Labayle, Giám đốc chính sách thương mại của Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) từng đánh giá, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10-15%, nâng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 30-40% khi được đưa vào thực thi.

Dệt may được kỳ vọng sẽ nhận được cú huých lớn khi EVFTA thực thi. Ảnh: Hoàng Hà.

Thực tế, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2014, lên mức 36,8 tỷ USD.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, con số đã vươỵ cả năm 2010, đạt 19,4 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 14,9 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân này là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như thịt, máy móc, phụ gia công nghiệp của Việt Nam.

Với EVFTA, Việt Nam và EU sẽ thực hiện những lộ trình giảm thuế khác nhau, với EU là 7 năm, của Việt Nam là 10 năm. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, phía Việt Nam sẽ giảm 65% dòng thuế, còn EU là 71% dòng thuế.

Theo ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại phái đoàn EU tại Việt Nam, mức giảm thuế ngay sau ký kết hiệp định là "con số khá tham vọng với Việt Nam", còn lộ trình kéo dài 10 năm sẽ cho Việt Nam thời gian thích nghi tốt hơn.

Được xác định là ngành trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam vào EU, dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc kép về xuất xứ. Theo đó, để có thể hưởng thuế suất ưu đãi, vải và công đoạn may phải được thực hiện tại Việt Nam (có chấp nhận cộng dồn xuất xứ với Hàn Quốc). Đây là quy định "dễ thở" hơn cho các so với TPP, nhưng vẫn làm khó cho doanh nghiệp Việt bởi 60% nguyên phụ liệu dệt may vẫn được nhập khẩu từ các nguồn ngoài EVFTA.

Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may, ông Lê Tiến Trường đánh giá, việc hội nhập có thể mang lại rủi ro, nhưng "người làm kinh doanh có quan niệm không rủi ro thì không lợi nhuận".

"Ngành dệt may có 6.000-7.000 doanh nghiệp, kể cả FDI, tư nhân, và cổ phần Nhà nước. Trong cuộc chơi hội nhập, không phải ai cũng thành công. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ có người thất bại vì đó là quy luật của thị trường. Đó cũng là quy luật để DN của Việt Nam ngày càng chất lượng hơn so với việc đóng cửa để tồn tại, đều sống nhưng với thể trạng èo uột", ông Trường nhận định.

Trong khi đó, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cảnh báo, EVFTA mở ra cơ hội, nhưng song hành là những thách thức rất lớn. Nếu ông Lộc khẳng định trong hội nhập "không có bữa ăn nào miễn phí", thì lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng nhấn mạnh lợi ích của mọi FTA chỉ là dạng tiềm năng và không nên nghĩ "cứ ký được xong là mai anh sẽ có quà".

FTA Việt Nam - EU: Xúc tác cho cải cách thể chế

Trao đổi với Zing.vn ngay sau khi EVFTA được ký, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành nói: giống TPP, đây là xúc tác cho đầu tư, đặc biệt là cải cách thể chế.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm