Bà Vera Basova đứng bên nhà và cầm một tờ báo địa phương. Tiêu đề trên trang nhất cho biết Nga đang đưa xe tăng tới biên giới phía đông Ukraine.
“Họ muốn gì ở chúng ta? Tại sao họ lại kéo xe tăng đến đây?”, bà Basova, 90 tuổi, hỏi hàng xóm.
Cụ bà lo sẽ phải quay lại cảnh trốn ở tầng hầm để tránh bị pháo kích, điều đã xảy ra khi cuộc chiến nổ ra giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở khu vực Donbass vào năm 2014. Cuộc chiến này vừa bước sang năm thứ 8 và đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.
NATO và các nước phương Tây cáo buộc Nga đã đưa một lượng lớn binh lính đến gần biên giới phía đông của Ukraine. Đây lần huy động quân số lớn nhất kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn cũng khiến phương Tây lo ngại về cuộc tấn công của Nga. Việc Nga ngày 17/4 đe dọa trục xuất một nhà ngoại giao Ukraine bị cáo buộc làm gián điệp đã làm gia tăng căng thẳng.
Bà Vera Basova, 90 tuổi, đứng trong sân nhà với tờ báo về việc Nga đưa quân đến biên giới Ukraine trên tay. Ảnh: Guardian. |
Chiến tranh chia cắt gia đình
Bà Basova sống ở Marinka, một thị trấn nhỏ do chính phủ Ukraine kiểm soát. Thị trấn này chỉ cách Donetsk, khu vực phe ly khai nắm giữ, 23 km về phía tây nam và cách biên giới Nga 80 km.
Xung quanh bà Basova, mọi ngôi nhà đều có dấu hiệu bị tàn phá do chiến tranh. Thỉnh thoảng, một binh sĩ Ukraine có vũ trang bước qua phố.
Các trận chiến giành quyền kiểm soát Marinka diễn ra vào năm 2014 và 2015. Trước cuộc chiến, cư dân của Marinka đến Donetsk để làm việc và mua sắm hàng ngày. Những trận pháo kích trực tiếp vào trung tâm thị trấn đã gây thương vong nặng nề cho cả người dân và binh sĩ.
Bà Basova không thể quên việc phải chạy trốn khỏi "quả cầu lửa trên bầu trời" và mất thính giác tạm thời sau vụ chấn động.
Khi chiến tranh ở miền Đông Ukraine biến thành cuộc xung đột âm ỉ, Marinka trở thành một trong những điểm kết nối khu vực chính phủ kiểm soát và vùng quân nổi dậy quản lý ở Donetsk.
Tuy nhiên, đến mùa xuân năm 2020, đại dịch khiến các trạm kiểm soát bị đóng cửa, chia cắt nhiều gia đình sống ở hai bên chiến tuyến.
Bật khóc, bà Basova nói với Guardian về con gái mình. Cô con gái sống ở Donetsk không thể về thăm bà Basova hơn một năm qua.
Svitlana Derkach, người hàng xóm 50 tuổi của bà Basova, cũng không được gặp đứa cháu trai mới sinh của mình ở Donetsk.
“Chúng tôi vừa tập làm quen với cuộc chiến thì đại dịch lại giáng một đòn mới”, bà Derkach nói với Guardian.
Marinka là một thị trấn nhỏ do chính phủ Ukraine kiểm soát trong vùng chiến sự. Ảnh: Guardian. |
Người phụ nữ này cũng cố gắng không hoảng sợ về viễn cảnh Nga đưa quân vào khu vực.
“Nếu có chuyện xảy ra, tôi chỉ có thể cố gắng bình tĩnh”, bà Derkach nói.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron tại Paris ngày 16/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp.
NATO, Mỹ và EU đều đảm bảo với Ukraine rằng họ ủng hộ "sự toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia này.
Tuy nhiên, như hầu hết người dân ở Marinka, bà Derkach không mấy tin rằng phương Tây sẽ giúp Ukraine nếu Nga tấn công.
“Cả châu Âu và Mỹ đều không cần đến chúng tôi. Chúng tôi có hàng tá vấn đề”, người phụ nữ này nói.
Không chỉ vậy, mắc kẹt ở tiền tuyến, Marinka dường như cũng bị phần lớn Ukraine lãng quên.
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở Marinka đã bị cắt và vẫn chưa được khôi phục từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2014. Hầu hết cơ sở kinh doanh của thị trấn này bị phá hủy do giao tranh hoặc ngừng hoạt động.
Nhiều cánh đồng trong vùng bị đặt mìn, khiến người dân không thể canh tác. Họ cũng phải mua nước để uống vì không có nước sạch. Thực phẩm phần lớn đến từ vườn nhà. Quân đội Ukraine cũng khuyến cáo người dân chỉ làm việc ngoài trời trước buổi trưa, thời điểm họ ít có nguy cơ bị bắn hơn.
“Cuộc sống ở đây kết thúc vào giữa ngày”, Alina Kosse, 62 tuổi, Giám đốc Creative Hub, trung tâm nghệ thuật và đào tạo địa phương, nói với Guardian.
Niềm tin của người dân
Marinka từng có 10.000 dân, nhưng gần một nửa số đó đã rời đi, hoặc sơ tán kể từ cuộc khủng hoảng năm 2014.
Những người ở lại chia làm hai phe. Bà Kosse tin rằng nhiều người địa phương ủng hộ Nga vì họ xem tin tức từ truyền hình Nga.
Tiếng Nga là ngôn ngữ chính của hầu hết cư dân Marinka. Dù vậy, một số người lớn tuổi vẫn nói tiếng Ukraine.
Kosse nói nhà bà bị ném chất nổ vì người phụ nữ này giúp đỡ quân đội Ukraine.
Đầu cuộc chiến, tình nguyện viên tặng tất và đồ lót mới cho những người lính Ukraine thiếu trang bị. Giờ đây, binh sĩ được cung cấp hệ thống quang học dành cho vũ khí và máy bay không người lái.
“Quân đội chúng tôi không còn giống như năm 2014 nữa”, bà Kosse chia sẻ. “Nếu Nga dám tấn công một lần nữa, họ sẽ thất bại sớm thôi. Tin tôi đi".
Bên cạnh việc Kyiv tăng chi tiêu quốc phòng, 7 năm kinh nghiệm chiến đấu cũng giúp chuyển đổi quân đội Ukraine. Từ lực lượng tình nguyện vô tổ chức vào năm 2014, lực lượng này trở nên quy củ hơn đáng kể.
Một binh sĩ Ukraine có bí danh là Kaba tin rằng họ có thể chống lại Nga.
Người lính bắn tỉa 48 tuổi này cho biết đơn vị của ông được trang bị súng trường của Canada, Mỹ cùng vũ khí Ukraine. Họ cũng được người Anh huấn luyện. Tuy nhiên, ông Kaba thừa nhận họ phải đối mặt với đạn bắn tỉa từ Donetsk.
Ông Kaba, một lính bắn tỉa, tin rằng họ có thể chống lại Nga. Ảnh: Guardian. |
Ông Kaba là người Kherson, thành phố ở miền Nam Ukraine. Người lính này ban đầu là nhà hoạt động trong phong trào Euromaidan lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych (một người thân Nga).
Sau đó, Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn cho các lực lượng thân Nga chiếm giữ khu vực Donetsk và Luhansk.
Bị bắn tỉa và trúng mìn đang là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong khu vực chiến sự, ông Kaba nói. Giữa tháng 3, một binh sĩ Ukraine thiệt mạng vì trúng đạn bắn tỉa gần Marinka.
Tin tức về những người thiệt mạng và bị thương dọc chiến tuyến thường xuyên xuất hiện. Khi căng thẳng leo thang liên tục, binh sĩ cũng ít chú ý đến Covid-19.
Marinka thường vắng vẻ vào buổi tối. Chỉ có các nhóm thanh thiếu niên và chó hoang thường xuyên lang thang trong trung tâm. Một vài người đàn ông lặng lẽ đánh cá tại một cái ao ở địa phương, phớt lờ những biển cảnh báo về việc nơi đó bị gài mìn.
Tiệm bánh ở Marinka đã bị đạn pháo phá hủy vào năm 2014. Một nhà thờ Tin lành đã mở tiệm bánh mới vào năm 2016. Họ phục vụ 1.000 ổ bánh mì tươi mỗi sáng. Đây là một trong số ít doanh nghiệp còn hoạt động ở Marika.
Mục sư Roman Riazantsev, 38 tuổi, tổ chức phát bánh mì miễn phí hoặc bán giảm giá. Ông Riazantsev cho biết nhiều giáo dân đang lo lắng. Cửa sổ nhà họ rung lên vì bị pháo kích và họ nói mình cần chuẩn bị các hầm trú bom.
“Mọi người đã quen với sự yên tĩnh. Họ đã sửa chữa xong nhà cửa. Nhưng giờ nỗi sợ hãi của họ đang quay trở lại”, ông Riazantsev.
Bà Basova đã sống sót qua Thế chiến II. Người phụ nữ này chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải trải qua một cuộc chiến khác dài hơn vào cuối đời mình.
Khi nghe thấy tiếng súng hoặc pháo kích, bà Basova đọc sách cầu nguyện để trấn tĩnh.
“Họ muốn gì ở chúng tôi? Họ có cần tiền không?”, bà Basova tư vấn. "Tôi sẽ đưa cho họ toàn bộ tiền trợ cấp của tôi để chấm dứt tiếng súng".