Tại thị trấn Utqiagvik ở Alaska, khoảng cách giữa hoàng hôn và bình minh có thể kéo dài tới hơn hai tháng. Và vào ngày 20/11, những người dân ở thị trấn này sẽ bắt đầu chuỗi 65 ngày sống không có ánh mặt trời của họ. Sự kiện thiên nhiên này còn được biết đến với tên gọi “Đêm vùng cực”.
Theo nhà khí tượng học Judson Jones của CNN, đêm vùng cực là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những khu vực không có ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian dài hơn 24 giờ.
Chuyên gia này cho biết: “Điều này xảy ra mọi năm. Nếu bạn sống xa hơn hai vòng cực, sẽ có những ngày mà mặt trời biến mất trong phần còn lại của mùa đông. Tin tốt là nó sẽ trở lại vào mùa hè và sẽ không lặn trong nhiều ngày”.
Thị trấn Utqiagvik sẽ thắp điện liên tục trong 65 ngày vì không có ánh nắng mặt trời. Ảnh: University of Alaska. |
Một phần ba của Alaska nằm trên vòng cực Bắc, vòng tròn tương đương từ vĩ tuyến 66° 33′ 39″ phía bắc đường xích đạo. Mặc dù Utqiagvik không phải là thị trấn duy nhất ở Alaska xảy ra đêm vùng cực, nó là nơi đầu tiên diễn ra điều này vì thị trấn nằm gần Bắc cực nhất.
Một số thị trấn khác như Kaktovik, Point Hope và Anaktuvuk Pass cũng trải nghiệm đêm vùng cực với thời gian kéo dài từ một đến hai tháng. Họ sẽ có buổi hoàng hôn cuối cùng vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.
Mặt trời chính thức lặn vào lúc 13h43 ngày chủ nhật 18/11 ở Utqiagvik, bắt đầu chuỗi 65 ngày không có ánh nắng mặt trời ở thị trấn này, nó sẽ xuất hiện trở lại vào ngày 23/01/2019.