Hãng tàu Hurtigruten, Na Uy, mới đây cho biết các tàu của hãng này sẽ sử dụng khí gas sinh học làm từ cá chết, thức ăn dư thừa cùng với các loại rác thải hữu cơ khác thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Daniel Skjeldam, giám đốc điều hành của Hurtigruten, nói với Guardian: “Na Uy là một quốc gia vận tải lớn, nhưng ngành thủy sản và lâm nghiệp cũng có quy mô không nhỏ. Các ngành này tạo ra công ăn việc làm và thu nhập, nhưng cũng sản sinh rất nhiều chất thải. Cách xử lý khối lượng lớn chất thải hữu cơ này sẽ mang lại cho các nước Bắc Âu vị thế độc nhất trên thị trường khí sinh học. Chúng tôi đang thúc đẩy việc đổi mới và đầu tư nhiều hơn. Tôi tin rằng đây là khởi đầu cho một ngành công nghiệp lớn trong vài năm tới”.
Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho các phương tiện vận tải đường biển đang gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cả các phương tiện đường bộ, bởi lượng khí thải từ tàu thuyền ra môi trường có chứa lưu huỳnh và nhiều chất độc hại khác, gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu. Các tàu du lịch lớn nhất thế giới có thể xả thải lượng khí ô nhiễm tương đương với hàng triệu chiếc xe ôtô.
Hãng tàu Hurtigruten dự kiến sẽ sử dụng khí gas sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: EPA. |
Vì vậy, sử dụng khí gas sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp làm giảm các chất gây ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính. Khí sinh học có thể được tổng hợp từ chất thải hữu cơ bằng cách tăng tốc quá trình phân hủy tự nhiên để khai thác khí metan. Tuy vậy, hầu hết chất thải hữu cơ của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay đều đổ về bãi rác và phân hủy làm xả thải khí nhà kính.
Theo Guardian, hiện hãng Hurtigruten đang vận hành đội tàu gồm 17 chiếc. Dự kiến đến năm 2021, hãng này sẽ chuyển sang sử dụng khí gas sinh học và khí tự nhiên hóa lỏng (một loại nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm hơn) cho ít nhất 6 tàu. Ngoài ra, các tàu cũng được trang bị các khối pin lớn có khả năng tích trữ năng lượng sạch.
Công ty 125 năm tuổi Hurtigruten, có trụ sở tại Na Uy, cũng cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì môi trường. Bởi các tàu du lịch của Hurtigruten hoạt động chủ yếu trên biển Bắc Cực và Nam Cực, hai khu vực rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Hurtigruten cũng đang xây dựng thêm 3 con tàu mới chạy bằng năng lượng hỗn hợp tại Na Uy, dự kiến sẽ hoàn tất trong 3 năm tới.