Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi thử thực tập giải phẫu người của sinh viên trường Y

Sáu năm trôi qua, để mô tả chi tiết hơn nữa buổi thi ngày ấy có lẽ là khó… nhưng chúng tôi đều khắc cốt ghi tâm từ “CHUYỂN”. Thật kinh hoàng.

Cận cảnh phòng xác của Đại học Y Hà Nội. Nguồn: Vietnamnet.

Sinh viên Y muỗi có những ấn tượng khó phai, bởi đầu óc còn non xanh thơ dại, thứ gì bổ vào đầu cũng đều dễ nhớ. Một tuổi trẻ hăng máu học giải phẫu của bao thế hệ. Tối đến, các “cụ non” hai tay ghì chặt cuốn Atlas to đùng trước ngực như sợ ai cướp mất kho báu.

Vai đeo ba lô xộc xà xộc xệch, họ băng băng tiến về giảng đường Hồ Đắc Di với mục tiêu kiếm thêm con chữ. Mùa thi tới, hết câu lạc bộ đến tổ đội nhóm tổ chức các bài thi thử, thí sinh của đợt thi này có thể thành “ban tổ chức”, “giám khảo” cho đợt thi kia.

Bài thi thật phần thực hành giải phẫu có 3 trạm cần vượt qua. Trạm 1 là bàn xương. Tất tần tật chi tiết dù bé tí teo hay to đùng đoàng đều có tên. Trạm 2 tập hợp các mô hình, toàn kim, kim và kim. Chúng tôi vẫn truyền nhau câu nói “kim cắm vào đâu, đầu óc em lại lo âu đến đó”.

Đích cuối là mô can, xác. Mỗi bàn gồm 10 chi tiết, trong 30 giây sinh viên phải tốc ký xong đáp án, ghi đúng tên và số vào tờ giấy được phát. Và thứ thần thánh nhất còn đọng trong trí nhớ tôi về kì thi là chiếc đồng hồ cát và hình ảnh thầy Chu Văn Tuệ Bình chân bắt chéo, miệng gọi tên liên thanh, tay đập bàn cộc cộc.

- Thầy ơi, thầy làm gì cũng được, chứ thầy đừng gõ nữa. Cát chạy như thế thì 20 giây là hết sạch rồi ạ.

- Kệ tôi, đã thi thì phải áp lực chứ. Các cậu cứ làm bài đi.

Trở lại thời gian trước khi thi vài tuần, tất cả sinh viên lên dây cót tinh thần tập trung ôn tập. Toàn trường bùng nổ phong trào “điểm thật, thi giả”. Ai cũng đăng ký ghi danh vào ít nhất một đợt thi thử để biết năng lực mình đến đâu, qua đó lấy mốc cài mô tơ chạy để bắt kịp lịch trình ôn luyện. Và chúng tôi - 110E2 thật vinh dự khi trở thành phòng ký túc xá đầu tiên dũng cảm đứng ra tổ chức một kỳ thi “chuyên nghiệp”. […]

Bỗng một hôm, “cô” Thiết phó phòng nhẹ nhàng lấy ý kiến:

- Hay phòng mình tổ chức thi thử mở rộng đi. Cho bọn ở ngoài vào tham gia luôn.

Hoàng đáp lại ngay:

- Gì vậy má? Tao còn lo trượt đây, tổ chức thi rồi mai kia chính mình điểm thấp lại nhục mặt ra.

- Sao đâu, học ngu mới phải cố gắng, có cái gì phải xoắn.

- Nhưng làm thế có quá không nhỉ? Sợ bọn kia kêu mình tự tin trên mức năng lực ấy. - Tôi cũng băn khoăn không kém.

- Chẳng vấn đề gì, quyết thế đi.

Thiết luôn đầy quyền lực. Dù ai đang làm gì, ở đâu, hễ nó triệu tập, toàn thể đều phải có mặt và cho ý kiến. Vừa sợ, vừa lo, vừa ngại… những cảm xúc lẫn lộn, đan xen trong hơn chục cái đầu của những thanh niên “ham mê lập nghiệp”. Thiết phân chia nhiệm vụ:

- Dũng chuẩn bị đèn học nhé. Đèn giảng đường tối thui, bọn nó nhìn không rõ đâu. Anh em lấy bút xóa đánh dấu lên đèn của mình, rồi nộp lại cho Dũng, kèm theo ổ điện nữa.

- Mấy cái mày? - Dũng hỏi lại trưởng ban tổ chức thi thử.

- 3 bàn thi nên cần tầm 6 cái thôi. Vượng và Minh soạn đề nhé, rồi đi in màu. Cần bao tiền hả?

- Không biết, mày cứ cho tao 100 nghìn đi.

- Nhiều vậy, mày tính tiền đổ xăng vào hả?

- Này, tao làm phi lợi nhuận. Cứ đưa, nếu thừa bọn tao trả.

- OK. Còn gì nữa nhỉ, Minh? Mày là phó ban tổ chức sự kiện Đội Máu cơ mà, mày phải năng nổ cho ý kiến lên chứ.

- Bìa các tông, kim. Có chưa?

- OK để tao lo - Thiết nhận.

- Ơ này, còn có một việc quan trọng nữa kìa. Mượn giảng đường tổ chức thi, thành phần ban giám khảo, quan sát viên, rồi người điều hành chuyển bàn nữa.

- Trời, sao lắm thứ vậy Vượng? - Phó phòng ngao ngán.

- Phải thế mới gọi là thi, chứ chạy bàn mà như nhảy chachacha thì tổ chức làm gì. Mang tiếng 110E2 nhất định phải chuyên nghiệp.

- Được rồi, Minh đi mượn giảng đường. Vượng, Đạt chấm thi. Tao điều hành, mấy đứa le ve còn lại làm quan sát viên, gọi tên thí sinh rồi trực bàn đăng ký. Chia kỹ vào đấy - cô Thiết đọc một lèo mà không hề vấp câu chữ. Cả phòng nhao lên và thống nhất.

- OK, chốt. Mai thông báo tới cả khối nhé.

Chiều hôm thi, chắc chỉ thiếu mỗi thẻ ban tổ chức thôi, còn lại ai nấy răm rắp vào khâu, ăn ý một cách khó tả. Quá trình chuẩn bị đề thi và công tác hậu cần đều tươm tất từ đầu tới cuối. Tôi nhắc cô Thiết:

- Mày cúi cái mặt xuống tí cho nó vuông góc với mặt đường, mặt đã lưỡi cày lại còn đi khệnh khạng vênh vênh, thí sinh nó chửi cho là giám thị không có văn hóa đấy.

- Thế à, cảm ơn bạn Minh, hí hí. Mà này!!! Mày là đứa hay cà khịa tao nhất phòng, nhớ đấy.

Sáu năm trôi qua, để mô tả chi tiết hơn nữa buổi thi ngày ấy có lẽ là khó… nhưng chúng tôi đều khắc cốt ghi tâm từ “CHUYỂN”. Thật kinh hoàng. Sau mỗi trạm thi kéo dài 30 giây, sẽ có hiệu lệnh chuyển đến bàn kế tiếp. Dù xong hay chưa, bạn phải chạy để có lượt mới nối đuôi vào ngay sau đó. Rõ ràng trước khi “vào làm nhiệm vụ”, phòng đã hội ýnhắc nhau ăn nói nhỏ nhẹ vì "mình cũng chỉ là con tép trong trường thôi" cố gắng chuyên nghiệp chứ không phải tỏ ra hùng hổ, máu lạnh, ăn tươi nuốt sống thí sinh.

Thế mà khi Thiết hô câu “CHUYỂN” thì các “giám khảo” ngừng chấm bài, thí sinh giật thót, còn các bạn ở hành lang đang chờ thi tái hết cả mặt. Ai nấy đều lầm bầm “tuyển đâu ra ông giám thị ghê vậy trời, căng không khác gì thi thật”.

Âm thanh đấy phát ra còn ghê hơn cả tiếng tập điều lệnh hùng hồn mà chúng tôi được dạy hồi đầu năm trong môn Giáo dục Quốc phòng. Kết thúc ngày “thi”, có hơn 100 bạn đăng ký tham dự. Thằng ngồi bàn lễ tân chỉ gọi tên nhưng khát khô họng phải uống hết hai chai La Vie.

Thằng chấm bài thì điên đầu vì loạt đầu toàn lẹt đẹt 3 điểm, 4 điểm - trộm nghĩ hay đề khó quá, chúng nó không làm được về mất tinh thần, mình lại bị ăn chửi. Nhưng càng chấm càng thấy hay, cũng có điểm 8-9 và không ít điểm 5-6. Kỳ thi kết thúc, cả đám thu dọn đồ đạc, về đến phòng cũng gần 23 giờ.

- Thiết ơi có đi ăn bún không? - Tôi đói hoa mắt, run tay.

- Tiền đâu mà ăn, tổ chức miễn phí chứ có phải thu tiền kinh doanh đâu. Mỗi đứa tự ăn đi nhé, tao ăn mì tôm.

Những ngày thường, đến khuya trong phòng vẫn rộn ràng tiếng bàn tính lộc cộc, tiếng chửi nhau choang choác hay tiếng hát Sầu tím thiệp hồng. Hôm nay phòng im ắng, đâu đó chỉ thấy tiếng lăn trở mình của mấy ông thừa mỡ, cũng có tiếng đập muỗi của các ông gầy gò thịt thơm.

2 giờ sáng…

- CHUYỂN - Tiếng Thiết vang lên long trời lở đất.

- Thiết ơi, Thiếttt. - Vượng nằm bên này gọi vọng sang.

- Nó ngủ mơ đấy, thôi chúng mày ngủ tiếp đi… Mệt vãi.

Con đường trước mắt còn rất dài, và nó chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng ta dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi vùng an toàn định sẵn.

BS Thái Doãn Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY