Theo Daily Mail, để nhận diện một thi thể, các chuyên gia pháp y cần sử dụng mẫu mô từ bộ phận ít xảy ra thoái hóa phân tử DNA nhất trên phần thân mình (phần chính của cơ thể, không bao gồm đầu, tay và chân); nếu không, họ có thể dựa trên hồ sơ nha khoa của nạn nhân.
Sau đó, họ kiểm tra chéo DNA của mẫu lấy từ cơ thể nạn nhân để đối chiếu với mẫu lấy từ vật dụng mà nạn nhân sử dụng trước khi chết, như bàn chải đánh răng hoặc lược tại nhà nạn nhân. Các chuyên gia cũng có thể sử dụng bệnh phẩm từ thành viên thân cận nhất trong gia đình cùng chia sẻ DNA với nạn nhân, chẳng hạn cha mẹ hoặc con cái.
Binh sĩ Ukraina khiêng quan tài đựng thi thể nạn nhân lên máy bay để rời thành phố Kharkov, Ukraina, sang Hà Lan. Ảnh: Getty Images |
Nếu không lấy được mẫu DNA từ người trong gia đình trực tiếp, các chuyên gia sẽ lấy mẫu từ họ hàng xa gồm khoảng 5 người cậu hoặc dì. Nếu thi thể không còn nguyên vẹn, nhà phân tích sử dụng nhận diện DNA từ một bộ phận để so sánh với các phần còn lại.
Dù thi thể đã nằm phơi ngoài trời trong nhiều ngày, các chuyên gia cho biết công tác nhận diện không khó khăn. "Chúng tôi áp dụng phương pháp tiêu chuẩn trong điều kiện thiên tai. Việc nhận diện thi thể sẽ không quá khó vì có nhiều kỹ thuật khác nhau. DNA có thể duy trì một thời gian dài, chẳng hạn DNA từ các xác ướp", Giáo sư Jamison, giám đốc Viện Pháp y, trả lời Daily Mail.
Giám sư Jamison khẳng định: "Chúng tôi có thể nhận diện thi thể dù đã cháy đen".
Tuy nhiên, Giáo sư Woodford - giám đốc Viện Pháp y Victoria - nói vẫn có thể xảy ra một số vấn đề khi nhận diện người chết trong thảm họa và khi điều kiện bảo quản không tốt. "Tình trạng nguyên vẹn của những thi thể rất khác nhau. Một số thi thể tổn thương nghiêm trọng. Lửa tàn phá thi thể. Vụ máy bay rơi cũng gây thêm nhiều chấn thương khác. Tuy nhiên, trường hợp tai nạn của phi cơ MH17 có khác biệt vì chúng tôi đã khoanh vùng được nhóm người cần nhận diện".
Tiến sĩ Romina Carabott, chuyên viên pháp y nha khoa tại Trung tâm Cardiff Medicentre, cho biết hồ sơ nha khoa là biện pháp hiệu quả, "nhanh chóng và dễ dàng nhất" để xác nhận thi thể.
"Miễn là người quá cố từng đi khám nha sĩ và họ có lưu lại hồ sơ nha khoa thì việc kiểm tra hàm răng của nạn nhân so sánh với bộ hồ sơ này là cách hiệu quả nhất trong công tác nhận diện. Chúng ta không cần phải lấy mẫu thử, cũng không cần tốn kém chi phí xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, không cần đợi kết quả xét nghiệm DNA. Hàm răng cũng không bao giờ hư hại dù thi thể trải qua hoàn cảnh nào", Tiến sĩ Carabott nói.