Thị phần của MobiFone: 'Đánh xuống' để sáp nhập?
Thị phần giảm từ gần 30% xuống khoảng 18% trong khi doanh thu MobiFone vẫn tăng, VNPT đang bị nghi lách Luật Cạnh tranh để sáp nhập 2 mạng di động.
Theo sách Trắng năm 2011 do Bộ Thông tin Truyền thông công bố, trên thị trường thông tin di động (TTDĐ) VN năm 2010, thị phần của Viettel chiếm 36,72%, MobiFone chiếm 29,11%, VinaPhone chiếm 28,71%, tổng cộng ba nhà mạng chiếm đến 94,54%. Trong đó, thị phần của “hai anh em nhà VNPT” chiếm 57,82%.
Chiếu theo Luật Cạnh tranh, việc sáp nhập hai nhà mạng có tổng thị phần trên 50% là không thể được và lâu nay đa phần dư luận cũng không đồng tình. Thế nhưng theo sách Trắng CNTT 2012, thị phần thông tin di động năm 2011 lại xảy ra biến động mạnh đầy khó hiểu. Viettel gia tăng thị phần lên 40,45%, VinaPhone tăng lên 30,7%, trong khi đó MobiFone bị tụt thảm hại xuống 17,9%.
Như vậy so với năm trước đó, thị phần MobiFone giảm hơn 10%. Lúc này, cộng thị phần của “hai anh em nhà VNPT” chỉ còn 48,6%, không còn bị vướng quy định trong Luật Cạnh tranh để sáp nhập. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức tăng trưởng của thị trường TTDĐ đã chậm lại, song sự sụt giảm đầy bất ngờ về thị phần của MobiFone đã gây ra không ít mối ngờ vực.
Thị phần của MobiFone bị giảm rất mạnh một cách khó hiểu |
Xét trên nhiều chỉ tiêu, năm 2011 MobiFone đều tăng trưởng so với 2010: Doanh thu năm 2010 đạt 36.034 tỉ đồng - năm 2011 đạt 39.000 tỉ đồng; lợi nhuận 2010 đạt 5.860 tỉ đồng - năm 2011 đạt 6.260 tỉ đồng; năng suất lao động 2010 đạt 6,5 tỉ đồng/người/năm - năm 2011 đạt 6,7 tỉ đồng/người/năm, cao nhất trong ngành viễn thông.
MobiFone được cho là nhà mạng có chỉ số ARPU (doanh thu bình quân/thuê bao/tháng) cao nhất trong số các nhà mạng, đạt trên dưới 5USD/tháng. Tuy nhiên, chỉ số ARPU của thị trường chung năm 2011 so với năm 2010 không tăng, thậm chí còn giảm và MobiFone cũng nằm trong xu thế đó. Vậy thì, với thị phần (được hiểu là lượng thuê bao) giảm đến hơn 10% mà MobiFone vẫn đạt tăng trưởng ở các tiêu chí kể trên là điều rất khó hiểu.
Thực tế những năm qua cho thấy, con số báo cáo về thuê bao của nhà mạng luôn khai vống thêm rất nhiều thuê bao ảo để khoe thành tích, tranh thứ hạng qua đó nhằm PR. Tình trạng này từ tháng 5/2011 đã được chấn chỉnh theo cách thống kê mới của Bộ Thông tin Truyền thông, loại trừ các thuê bao không phát sinh lưu lượng, do đó tổng thuê bao di động cả nước đã bị “bốc hơi” tới 45,5 triệu thuê bao. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là không còn thuê bao ảo trên hệ thống của các nhà mạng.
Theo các chuyên gia, để bóp nhỏ thị phần có nhiều cách, một trong số đó là “trảm” một cách ráo riết các thuê bao ảo. Thậm chí, nhà mạng có thể tự khai báo giảm lượng thuê bao để phục vụ cho mục đích riêng. Nếu khai man về doanh thu và lợi nhuận thì còn có cơ quan thuế chế tài. Còn khai báo về số lượng thuê bao, cũng chỉ phục vụ cho mỗi công tác thống kê, chẳng mấy khi bị kiểm tra và cũng chẳng có quy định nào xử phạt hành vi này.
Nếu các nhà mạng cùng làm theo cách trên, thì thị phần có thể cũng có biến động nhưng sẽ không nhiều, khi đó MobiFone thậm chí còn được hưởng lợi tăng thị phần vì là nhà mạng có ít thuê bao ảo hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có một nhà mạng riêng lẻ làm như vậy, thì có thể dẫn đến sự xáo trộn mạnh về thị phần. Chỉ có điều là, con số sụt giảm thị phần của MobiFone rất khó thuyết phục dư luận nếu không vì lý do là VNPT muốn thế nhằm tạo cơ sở để hợp pháp hóa việc sáp nhập?
Theo Lao Động