Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Thì còn lại em

"Thì còn lại em" nằm ở thời kỳ đầu trên hành trình thơ của Nguyễn Bảo Chân. Đến giờ, chị đã viết khác đi, nhưng bài thơ vẫn còn nguyên đó một nỗi bâng khuâng dịu dàng.

Vơi bao nhiêu lá

Thì mùa thu đi

Tàn bao nhiêu nắng

Thì gió đông về.

***

Heo may bịn rịn

Níu ngày cách chia

Lặn vào sắc cỏ

Chút buồn mới se.

***

Vơi bao nhiêu lá

Lối đầy nắng trưa

Vòm cây thắc thỏm

Đếm từng bóng thưa.

***

Mắt em đánh đắm

Mảnh nào trời thu

Anh về nơi ấy

Có tìm bâng quơ.

***

Anh về nơi ấy

Nắng vàng không anh

Vơi bao nhiêu lá

Thì còn lại em?

Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm

Bài thơ trong sáng, giản dị với một nỗi bâng khuâng rất đỗi dịu dàng. Thế thì ai mà không cảm, không yêu cho được. Những câu hỏi, nhưng chắc chẳng phải để chờ đợi câu trả lời, mà gửi vào trong đó những bâng khuâng, bịn rịn, nuối níu, thắc thỏm, bâng quơ, đắm đuối của người con gái.

Chính xác, chút buồn mới se là em của hiện tại - một hiện tại thưa nhạt, vắng lặng dần đi. Hẳn là cách chia đã làm nên cơn cớ nỗi buồn, nhưng, với người con gái đang yêu, trong lòng họ có biết bao điều muốn ngỏ ý. Giản dị, dịu dàng đấy mà không sao giấu được một thoáng âu lo.

Ở một chiều kích khác, bài thơ này còn có thể là sự bao dung của người con gái, người đàn bà vừa đi qua một mối tình, vừa rời xa một nỗi gắn bó. Tất cả rồi sẽ vơi đi, nhưng là bao nhiêu thời gian, mưa nắng, ấm lạnh? Anh về nơi ấy, có lẽ đã yên bình thanh thỏa. Một tình yêu bao dung giữ em ở lại: Thì còn lại em hay chỉ còn lại em?

Ở giữa cây và nền trời

Thi Hoàng là thi nhân đất Cảng (Hải Phòng). Anh làm thơ từ sớm, nối tiếng với bài "Ở giữa cây và nền trời".

Nguyễn Bảo Chân

Bạn có thể quan tâm