Ngày 21/4, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nắng nóng như lửa, nhưng anh Trần Hữu Như Anh (27 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn đội nón ra đồng bốc dưa lên xe, chở về Hà Nội bán hộ người dân.
Như Anh kể, cách đây nửa tháng, đọc báo thấy vựa dưa của nông dân quê nhà bị nước lũ cuốn trôi. Quả còn sót lại, người dân đi bán nhưng không ai mua. Sau những đêm suy nghĩ, Anh rủ thêm bạn bè quyên góp được hơn 50 triệu đồng rồi cùng nhau về quê mua chở ra Hà Nội bán.
Nông dân Quảng Ngãi chất dưa đầy bờ ruộng, chờ người mua. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Sau chiến dịch "giải cứa" dưa hấu giúp nông dân Quảng Nam thành công, nhiều mạnh thường quân ở Sài Gòn, Hà Nội gọi điện ủng hộ nhóm của Anh về tiền bạc và vật chất.
Có sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhóm tiếp tục lặn lội vào Quảng Ngãi mua dưa rồi thuê xe chở ra các tỉnh phía Bắc bán.
"Sau khi trao đổi với người dân, tụi em quyết định mua với giá 3.000 đồng/kg. Chở ra đến Hà Nội, bán 5.000 đồng/kg, trừ đi tất cả các chi phí là hòa vốn", Anh cho biết.
Từ cuối tháng 3 đến nay, Như Anh cùng các thành viên trong nhóm đã bán hơn 1.300 tấn dưa giúp nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Cũng thông qua báo chí, anh Ngô Anh Tuấn (32 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ) đã lặn lội từ quê vào tận Quảng Ngãi để mua hỗ trợ dưa hấu của người dân không bán được.
Anh Tuấn hiện làm ở một công ty thương mại ở Phú Thọ. Sau đợt lũ tháng 3 tại Quảng Nam, Tuấn cùng các đội sinh viên tình nguyện đã bán được 10 tấn dưa giúp nông dân.
Ngày 18/4, chúng tôi đi theo Tuấn vào xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), nơi vẫn còn khoảng 400 tấn dưa chưa bán được. Chân ướt chân ráo vào Quảng Ngãi, Tuấn ở nhờ nhà chị Nguyễn Thị Thúy (xóm 1, thôn Mỹ Danh, Tịnh Hiệp).
Đêm đó, Tuấn đến từng nhà dân để tìm hiểu về nguyện vọng của bà con. Anh quyết định mua hàng chục tấn dưa cho người dân ở đây, với giá 2.700-3.000 đồng/kg.
Ngô Anh Tuấn vào Quảng Ngãi khảo sát và mua dưa giúp nông dân với giá từ 2.700-3.000 đồng/kg. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo Tuấn, làm từ thiện bây giờ mất lòng tin rất nhiều, do nhiều người giả danh thiện nguyện để trục lợi. Do đó việc "giải cứu" dưa phải công khai, minh bạch, bằng cách nhận dưa trả tiền mặt.
"Nếu tiền chưa chuyển vào kịp, tụi em sẽ ở lại nhà dân, đến khi trao tiền tận tay bà con dưới sự chứng kiến của chính quyền, tụi em mới yên tâm”, Tuấn nói.
Là một người chuyên về thương mại, Như Anh cho rằng, vấn đề của nông sản Việt là đầu ra và kênh phân phối.
Hàng nghìn tấn dưa của nông dân miền Trung được các "hiệp sĩ" giải cứu. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bằng chứng là chỉ cần biết phân phối, hàng trăm tấn dưa đều được bán hết tại thị trường nội địa.
Sau đợt cứu dưa hấu vừa qua, cả Tuấn và Như Anh đều rút ra bài học: Nếu nông dân cứ làm ăn theo kiểu tự phát như hiện nay, thì sẽ luôn đối mặt với rủi ro được mùa mất giá, được giá mất mùa.
"Việc 'giải cứu' dưa hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề lâu dài là các địa phương phải đưa ra định hướng, chiến lược cụ thể đối với cây trồng này", Tuấn nói.
Còn Như Anh đề xuất, nếu có chuỗi hệ thống phân phối cả nước, có vốn, được nhà nước hỗ trợ thì 3 "nhà" ngồi lại sẽ có lợi.
"Ví dụ như dưa, chia ra người bán 8.000 đồng/kg, người vận chuyển 2.000 đồng, người làm thương mại 2.000 đồng, tổng cộng là 12.000/kg. Với cách làm này, ai cũng có lợi. Người tiêu dùng mua một kg dưa với giá 12.000 đồng thì quá rẻ so với giá 18.000-20.000 đồng/kg dưa trên thị trường nhưng không biết xuất xứ từ đâu”, Như Anh trình bày.