Mới đây, tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai trình làng cuốn sách Ai làm đau tiếng Việt? để bàn về các lỗi thường gặp trong văn viết và nói của người Việt Nam.
Trong sách, tác giả cho rằng ngôn ngữ dân tộc đang dần mất đi sự trong sáng. Vấn đề ông nêu ra cũng là chủ đề được nhắc tới trong nhiều tác phẩm khác như Tiếng Việt, văn Việt, người Việt; Chữ xưa còn một chút này; Cuộc sống ở trong ngôn ngữ…
Cuốn sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Ảnh: Đặng Khuyên. |
Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ
TS Hồ Xuân Mai tốt nghiệp ĐH Tổng hợp TP.HCM. Ông là tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học So sánh - Đối chiếu (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ). Ông đã xuất bản nhiều sách, báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.
Với Ai làm đau tiếng Việt? (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành), TS Hồ Xuân Mai nêu các thực trạng vấn đề, nguyên nhân và cách khắc phục khi sử dụng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ phần nhiều là vay mượn từ tiếng Hán, Pháp, Khmer…
Sự vay mượn tổng hòa đó khiến tiếng Việt ngày càng phong phú. Nguyên nhân “làm đau” tiếng Việt có thể đến từ nhiều khía cạnh. Với ảnh hưởng xã hội cùng sự du nhập văn hóa trong giới trẻ, ngày nay, nhiều người nói và viết sai chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đặc biệt, việc những cơ quan ngôn luận hay người lãnh đạo truyền bá ngôn ngữ không chuẩn xác sẽ gây nên hệ lụy hiểu sai về tiếng Việt trong cộng đồng.
Để độc giả phổ thông có thể hiểu và nắm bắt mục đích chuyển tải của tập tài liệu về ngôn ngữ này, tác giả Hồ Xuân Mai sử dụng lối viết đơn giản cùng những bài thực hành dễ hiểu.
Nếu Ai làm đau tiếng Việt? là tiếng lòng thổn thức của tác giả Hồ Xuân Mai, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (Nhà xuất bản Trẻ liên kết Phương Nam Books phát hành) phản ánh những ý kiến của cố GS Cao Xuân Hạo về một số vấn đề liên quan ngôn ngữ, văn học và xa hơn nữa là nền văn hóa của dân tộc.
Công trình tập hợp một số bài viết được đăng rải rác trên các trang báo chí trong khoảng thời gian từ 1982 đến 2001 của ông. Tác phẩm được chia thành ba phần: Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt và văn hóa Việt.
Dành nhiều năm nghiên cứu và đóng góp cho việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc ngôn ngữ mẹ đẻ, GS Cao Xuân Hạo luôn đau đáu trước những vấn đề có liên quan mật thiết đến cách sử dụng tiếng Việt và sự ảnh hưởng của nó tới văn học, văn hóa của Việt Nam.
Sách Chữ xưa còn một chút này. Ảnh: Ngày nay viết chữ. |
Từ ngôn ngữ đến văn hóa
Fanpage “Ngày ngày viết chữ” được Nguyễn Thùy Dung sáng lập từ năm 2017, hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi từ các bạn trẻ trong nước và cả nước ngoài.
Chắt lọc từ những bài viết được bàn luận sôi nổi trên Fanpage cùng sự nghiên cứu nhiều từ điển như Đại Nam Quốc âm tự vị, Việt Nam tự điển, Hán Việt tự điển, Nguyễn Thùy Dung viết nên Chữ xưa còn một chút này (Nhà xuất bản Thế Giới liên kết Wavebooks phát hành) với mong muốn thông qua những bài viết đi kèm ví dụ cụ thể sẽ lột tả phần nào góc nhìn văn hóa của người Việt.
Từ “xưa” trong tiêu đề cuốn sách gợi nhắc ý nghĩa tìm về nguồn cội xa xưa của ngôn ngữ Việt. Qua đó, tác giả như muốn nhắn nhủ tới bạn đọc rằng những nét xưa của tiếng Việt nay đã phai nhạt dần theo năm tháng. Mỗi người Việt cần có trách nhiệm sử dụng chuẩn mực và lưu giữ hồn tiếng Việt.
Cuốn sách gồm 100 mục từ, được chia thành hai phần với dụng ý giải nghĩa nguồn gốc một số từ Hán Việt và sự lạm dụng ngôn ngữ cùng các lỗi thường gặp khi sử dụng tiếng Việt. Theo tác giả, còn nhiều điều thú vị ẩn sâu trong ngôn ngữ chúng ta giao tiếp hàng ngày và nếu hiểu được, mỗi người sẽ thêm yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hơn.
Ý nghĩa của tiếng Việt cũng được cố GS Hoàng Tuệ bàn trong cuốn Cuộc sống ở trong ngôn ngữ (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành).
Sách gồm nhiều bài viết nói lên những nét hay, đẹp của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tập hợp hàng loạt bài viết nhấn mạnh đóng góp của các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc như: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu hay phong cách ngôn ngữ của Hồ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Văn Đồng...
Trên tất cả, Cuộc sống ở trong ngôn ngữ thể hiện nỗi niềm trăn trở, mong muốn giữ gìn, phát triển tiếng Việt dưới ngòi bút tài hoa cùng kiến thức uyên thâm của cố GS Hoàng Tuệ - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Việt Nam, một trong những người đã đặt nền móng cho nền ngôn ngữ học Việt Nam.