Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả An Chi nối dài cuộc 'rong chơi miền chữ nghĩa'

Học giả An Chi đưa ra nhiều kiến giải khoa học, thuyết phục độc giả cho những câu trả lời của ông liên quan đến ngôn ngữ, nhân vật, địa danh.... qua "Rong chơi miền chữ nghĩa".

Cái tên An Chi đã quen thuộc với giới nghiên cứu ngôn ngữ và độc giả yêu kiến thức kể từ khi ông đảm nhận chuyên mục giải đáp "Chuyện Đông, chuyện Tây" trên tạp chí Kiến thức ngày nay (thời gian 1992-2008).

Là người thông kim bác cổ, học giả An Chi không ngừng vươn lên, bồi bổ kiến thức cho bản thân phần nhiều từ quá trình tự học không ngừng nghỉ. Và một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của ông nhiều nhất là ngôn ngữ học, trong đó có từ nguyên.

Rong choi mien chu nghia anh 1

Học giả An Chi ký tặng bạn đọc trong một cuộc giao lưu. Ảnh: Đình Ba.

Nối dài cuộc "rong chơi chữ nghĩa"

Sau 5 năm ra mắt bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa ba tập, cuộc "rong chơi miền chữ nghĩa" của học giả An Chi được nối dài với việc tập 4 vừa ấn hành bởi NXB Tổng hợp TP.HCM trong sự háo hức đợi chờ của những độc giả yêu mến ông.

Rong chơi miền chữ nghĩa tập 4 tập hợp nhiều bài viết của An Chi đăng trên báo Năng lượng mới, cũng như một số bài nghiên cứu trước đó đã được ông đăng trên Facebook cá nhân để rộng đường dư luận cho người yêu thích ngôn ngữ tương tác, luận bàn.

Lần giở những trang sách, độc giả thấy mỗi kiến giải của học giả An Chi đều xuất phát từ sự nghiên cứu khoa học, “nói có sách, mách có chứng” cùng nhận xét thẳng thắn và hấp dẫn độc giả trong cuộc "rong chơi" cùng những kiến thức ngôn ngữ, từ nguyên. Chẳng hạn như địa danh Tràm Chim nổi tiếng thực chất là biến âm qua thời gian của Chằm Chim.

Hay công trình bị một số nhà nghiên cứu ngộ nhận là "cổng thành Gia Định" thời... xa lắc nằm trên góc đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) đã bị An Chi phản bác, chứng minh với đầy đủ tài liệu cùng nhân chứng rằng đó đơn thuần chỉ là... "trạm gác" được xây dựng nửa sau thập kỷ 1950.

Nếu người Bắc thắc mắc vì sao trong Nam gọi cục đá lạnh là "tẩy đá" thì đáp án được An Chi đưa ra. Đó là “tẩy” với nghĩa “cục [nước] đá để sẵn trong ly” là một từ mà người Việt Miền Nam đã mượn ở một từ của tiếng Quảng Đông, cũng phát âm là “tẩy”.

Và còn nhiều nữa những luận bàn học thuật của An Chi trong tập 4 góp phần "sửa sai" cho các tác giả, tác phẩm, trong đó Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ...

Rong choi mien chu nghia anh 2

Chiếc cổng với hai chữ Gia Định ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu thực chất chỉ là trạm gác. Ảnh: Quỳnh Trân.


Cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa

Đam mê nghiên cứu ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu An Chi luôn làm việc cẩn trọng, nghiêm túc và có chính kiến riêng, từ đó đưa ra những giải đáp kiến thức giàu sức thuyết phục.

Kể từ khi bước vào con đường nghiên cứu đến nay, những bài viết rời trên các báo, tạp chí đã được ông phân loại, tập hợp và gửi đến độc giả nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó có thể kể đến: Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Từ nguyên, Từ thập nhị chi đến 12 con giáp...

Trong gia tài tác phẩm đã xuất bản của An Chi, nếu như Chuyện Đông chuyện Tây là bộ tác phẩm dày dặn hơn 2.500 trang và đoạt giải Ba Giải Sách Quốc gia lần thứ ba, thì Rong chơi miền chữ nghĩa cũng là bộ sách đáng kể với dung lượng gần 2.000 trang bàn nhiều về ngữ nghĩa.

Bộ sách được tập hợp từ những bài giải đáp của ông trong trên nhiều tờ báo, tinh tuyển và xuất bản thành bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa, ấn hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.

Rong choi mien chu nghia anh 3

Bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa. Ảnh: Đình Ba.

Qua bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa, độc giả sẽ được “rong ruổi" qua đủ kiến thức kim cổ, đông tây khác nhau dưới ngòi bút, sự kiến giải khoa học của học giả An Chi.

Nhiều thắc mắc của độc giả được ông giải đáp như "Con trâu, tuổi Sửu và chữ ngưu", "Về chữ liền trong liền anh liên chị", "Những điểm khiếm khuyết của Từ điển Việt-Bồ-La"…

Chuyện Đông chuyện Tây cùng học giả An Chi

GS Cao Xuân Hạo nhận xét về An Chi: "Những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc".

Tìm hiểu từ Củ Chi là gì qua sách Từ nguyên

Được độc giả nhớ mặt, quen tên qua chuyên mục giải đáp kiến thức "Chuyện Đông chuyện Tây" trên báo Kiến thức ngày nay, học giả An Chi lại vừa tái ngộ độc giả qua sách Từ nguyên.

Đình Ba

Bạn có thể quan tâm