“Đàn ông miệng rộng thì sang / Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”, TS văn hóa dân gian Lư Thị Thanh Lê dẫn câu ca dao và đặt câu hỏi: “Cũng là con người, sao lại có quan điểm, đánh giá ấy”?
Nhắc tới ca dao, chúng ta thường nghĩ tới những chuyện xưa cũ. Trong khi đó, bình đẳng giới lại là câu chuyện mà xã hội hiện đại đặt ra. Trong quá trình hoạt động cộng đồng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nảy ra ý tưởng sử dụng ca dao để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới. Dự án “In Ca dao We Trust” hình thành, với mong muốn dùng ca dao thay đổi nhận thức về bình đẳng giới.
Ý tưởng này đã được nhiều bạn trẻ, các chuyên gia lĩnh vực ngôn ngữ học và bình đẳng giới tán thành trong tọa đàm “In Ca dao We Trust - Bàn về định kiến giới trong ca dao Việt Nam” diễn ra chiều 28/4 tại Hà Nội.
Các diễn giả tại tọa đàm "Bàn về định kiến giới trong ca dao". Ảnh: M. T. |
Giới tính trong ca dao
Tới nay, các nhà nghiên cứu có thể đo đếm, thống kê được khoảng 12.000 câu ca dao. Nếu ta lội ngược dòng quá khứ, tìm đến những câu ca dao sẽ thấy sự phong phú, uyển chuyển, giàu đẹp của ngôn ngữ. Nhưng ca dao không chỉ là ngôn ngữ, bên trong nó là văn hóa, tri thức, quan điểm… của bao đời.
TS ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cho biết trong ca dao, “các cụ” có nói giới. Bất bình đẳng đầu tiên nằm trong sự khác biệt của mỗi giới, do “tiên thiên” - trời đất sinh ra thế. Đàn ông có sức khỏe hơn, nhưng phụ nữ có thể sinh con, cho con bú… Bên cạnh đó, ông cha ta cũng có những câu ca dao đặt các giới ngang nhau: “Công cha nặng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”.
Tuy vậy, ca dao có rất nhiều câu chạm đến vấn đề giới tính, trong đó có nhiều câu mở đầu bằng từ “Thân em” để nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ.
TS Lư Thị Thanh Lê dẫn câu “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và nói: “Chúng ta đã quen với câu này, và thấy quan điểm người phụ nữ phụng sự đàn ông. Khi người phụ nữ ấy còn sống, sẽ vẫn phụng sự người đàn ông - chủ gia đình”.
Không chỉ người phụ nữ chịu thiệt, đàn ông cũng là nạn nhân của bất bình đẳng giới. Điều này cũng được thể hiện trong những câu ca xưa. Theo TS Lê, đàn bà chân yếu tay mềm được coi là yểu điệu, còn đàn ông nếu chân yếu mềm tay thì bị gắn mác “ẻo lả”. Như vậy, đàn ông cũng rất áp lực khi bị gắn định kiến phải nam tính.
Bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch CSAGA, người có nhiều nỗ lực trong việc đấu tranh vì quyền của phụ nữ - lại chỉ ra “sự tinh vi của quan điểm bất bình đẳng” thể hiện ở ca dao xưa. Một số câu ca dao, tục ngữ, nhìn thoáng qua là đề cao phụ nữ, nhưng lại ẩn chứa những thông điệp bất bình đẳng.
“Phúc đức tại mẫu” là một sự tinh vi coi thường phụ nữ, coi rằng con hư là không phải tại đàn ông, mà do đàn bà. Còn câu “Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá đầu đường” là một cách đặt trọng trách lên vai phụ nữ, bắt phụ nữ phải chu toàn, vẹn tròn mọi trọng trách”, bà Nguyễn Vân Anh nói.
"Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giới nhưng chung một giàn" - một bài dự thi "Phủ xanh ca dao tục ngữ". Ảnh: Ơ kìa We Trust. |
Đặt niềm tin ở ca dao
Ca dao là những tâm tình, đúc rút của người xưa, vì thế nó phần nào thể hiện quan điểm của một thời đã qua. Bối cảnh, đời sống hôm nay đã khác, nhưng những câu nói xưa cũ vẫn truyền miệng, có thể tác động tới hôm nay.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh - cựu giảng viên Đại học Ngoại thương - nói: “Ca dao là cuộc sống. Cuộc sống ngày xưa như thế, nên ca dao như vậy. Nếu có sai, cái sai không phải ca dao, mà ở cách chúng ta vận dụng. Chúng ta không nên lấy cái sai của ngày xưa để vận dụng vào đời nay nếu không phù hợp”.
Tin vào phần tốt đẹp của ca dao, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thực hiện dự án “In Ca dao We Trust”. “Định kiến giới đã, đang tồn tại trong xã hội. Bằng mọi cách, mọi trend, mọi sự cuốn hút, chúng ta hãy truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức về vấn đề này. Chúng ta nắm tay nhau để quay lại với ca dao - một di sản mà ta tin nó đẹp”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Nằm trong dự án “In Ca dao We Trust”, cuộc thi “Phủ xanh ca dao tục ngữ” sử dụng các loại hình nghệ thuật và chất liệu ngôn ngữ dân gian để phổ cập kiến thức cơ bản, lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới. Cuộc thi sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9, với hình thức thể hiện: Ngôn ngữ, mỹ thuật, điện ảnh.
Người tham dự sử dụng các loại hình nghệ thuật và chất liệu ngôn ngữ dân gian để phổ cập kiến thức cơ bản, lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới. Đó có thể là những câu sáng tạo ra, hoặc đặt lại câu, từ trên nền ca dao cũ, hướng tới chủ đề bình đẳng giới.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trong chương trình trên VOV6 đánh giá: “Ca dao dân ca thể hiện tâm trạng người dân trước cuộc sống, trước quan hệ xã hội, nhưng nó còn có ý nghĩa rộng hơn ý nghĩa trữ tình, đó là phản ánh chính xã hội thực tiễn thời bấy giờ. Vì vậy việc chọn nó như một tư liệu, một đối tượng để chúng ta quan sát, từ đó có những nhận định, đồng thời quảng bá và phát triển cho những đề tài về bình đẳng giới, theo tôi là lựa chọn tốt cho việc truyền thông và cái mà chúng ta hướng tới”.
Ca dao, tục ngữ chứa kinh nghiệm được truyền miệng, còn thời nay, các phương pháp "truyền mạng" (truyền qua mạng Internet) có hiệu quả với giới trẻ. Bởi vậy, nhóm thực hiện dự án tin tưởng truyền thông điệp qua "ca dao mới" trên mạng xã hội sẽ đạt được hiệu quả mạnh mẽ.