Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ đã cho phát hành cuốn sách giới thiệu lần đầu tiên những bài đăng báo trong giai đoạn 1937-1938 cùng những tiểu luận về giáo dục của ông. Cuốn sách mang tên Thu Giang Nguyễn Huy Cần - Những bài đăng báo và tiểu luận. Đây là công trình do hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghiêm và Đỗ Biên Thúy dày công sưu tầm, giới thiệu, góp phần hoàn thiện thêm di sản và những di cảo về học giả Nguyễn Duy Cần đã được xuất bản trước đó.
Cuốn sách tập hợp những bài viết, tư liệu quý của Thu Giang Nguyễn Duy Cần vừa được Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu đến bạn đọc. |
Phần một của cuốn sách gồm những bài đăng đã được phát hành trên tập san Nay - một tạp chí do Nguyễn Duy Cần làm giám đốc và tổng biên tập, nửa tháng ra một kỳ, ấn phẩm được chia thành 4 mục chính : Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương, với sự góp bút của chính ông và những tri thức thời đó.
Như ông tuyên bố, mục đích của Nay không có gì lớn lao, mà chỉ là lo về cái sống qua việc bàn về triết lý để nuôi tinh thần, và bàn về y để giúp khang kiện vật chất. Chủ đề chính của tập san này vẫn là những điểm quen thuộc trong thế giới quan của Nguyễn Duy Cần, khi tìm đến lăng kính dung hợp, điều hòa và bổ sung cho nhau.
Khác với một học giả khác là Nguyễn Hiến Lê, có thể thấy rằng Nguyễn Duy Cần tích cực đi theo đường hướng truyền bá triết học Đông phương mà cụ thể là Lão-Trang. Ông không chủ trương đao to búa lớn lo cho đời một cách cưỡng cầu, mà lấy sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu làm chính yếu. Theo đó nội dung của bốn phần nhỏ đều khá rõ ràng, được viết gần gũi như những lời khuyên có thể tham khảo trong đời sống hàng ngày.
Theo đó, mục Triết học bàn sâu hơn những vấn đề đã được nhắc tới trong cuốn Toàn chân triết luận nổi tiếng từ lâu. Mục Y học trình bày cách ăn uống cho hợp âm dương, cùng đó là những khảo cứu đầy tính khoa học về các loại rau củ dùng trong đời sống hàng ngày. Khoa học trình bày sự tương quan giữa cơ thể và vận hành vũ trụ, trong khi Văn chương gồm chuỗi tiểu thuyết sáng tạo nhiều kỳ Thánh nhân ngoại sử. Đáng tiếc là toàn bộ 15 số báo Nay chưa thể tìm ra một cách toàn vẹn, nên trường thiên tiểu thuyết Thánh nhân ngoại sử nói trên vẫn còn dang dở.
Trong loạt bài thuộc mục Triết học, Nguyễn Duy Cần đã lần lượt đưa ra những mối tương quan giữa riêng - chung, mới - cũ cũng như tự nhiên - con người để làm rõ vai trò của sự hòa hợp. Theo đó trong bài Có nên bắt chước Thánh nhân? ông đã cho thấy cuộc đời vốn luôn biến động, và đó đã là quy luật, là điều tối quan trọng trong vũ trụ này. Không chỉ nghiêng về triết lý Đông phương, ông cũng tham khảo nhiều nhà hiền triết từ cổ chí kim như Andre Gide, Krishnamurti, Nitzche… để rồi từ đó có một góc nhìn thấu đáo về các sự kiện cũng như các điểm tương đồng.
Như một câu nói “Rắn không thay da, rắn sẽ chết. Tinh thần không thể biến đổi không thể gọi là tinh thần”, ông phân tích rõ lợi chung và lợi ích riêng không thể tách rời, rằng động đây là động đó, rằng lo cho ta là lo cho đời, và cuối cùng rằng ta với đời là một. Ông không chối bỏ tính chất cá nhân, nhưng cũng khuyên giải nên phải hiệp đoàn để mà làm việc.
Ở mục Y học giao với Triết học, ông cũng cho thấy vai trò tưởng như thuận chiều nhưng lại xung khắc giữa con người và tự nhiên. Dùng các kiến thức khoa học (hố Mặt Trời, sức hút Mặt Trăng) để cho thấy sự tương hợp giữa mọi vật chất trên cõi đời này, Nguyễn Duy Cần cho thấy được sự nhỏ bé cũng như mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, mà mọi thứ nằm trong cùng cuộc lưu chuyển.
Tuy chỉ ra được 15 số và có đời sống ngắn ngủi, thế nhưng Nay đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động báo chí của miền Nam giai đoạn trước 1945.
Trước đó nhiều tác phẩm của học giả Nguyễn Duy Cần cũng đã được xuất bản. |
Là người nổi trội ở mảng sách triết luận nên ít ai biết Nguyễn Duy Cần cũng là một trí thức quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là văn hóa - giáo dục. Phần hai của cuốn sách có tên “Tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?” trình bày những suy nghĩ của ông về nền giáo dục hiện thời, với thực trạng cũng như giải pháp để hướng tới nền văn hóa có giá trị hơn.
Đặt trong giai đoạn phong phú của những trào lưu văn hóa ào vào nước ta, với triết học phương Tây cùng đỉnh điểm là triết học hiện sinh của Sartre, Camus… Nguyễn Duy Cần chỉ ra những sự nguy hiểm của "đời sống mới", khi chủ trương dẹp bỏ mọi truyền thống xưa cũ, từ đó làm mai một dần tinh hoa văn hóa.
Tuy thế ông không chủ trương đàn áp làn sóng này, mà với triết lý tìm sự trung dung cũng như dung hợp, điều hòa, điều chỉnh, ông đã nêu lên góc nhìn của mình về việc loại bỏ những điều hủ tục, hủ bại; nhưng cũng gạn đục khơi trong, giữ lại những giá trị truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Đó là chân vạc, đó là nền móng để từ đó cải cách một nền giáo dục còn nhiều rệu rã.
Nhân đó Nguyễn Duy Cần cũng chỉ ra hướng đi, về việc tích cực trao đổi văn hóa, cấp bách hoàn thiện cũng như thống nhất các văn kiện chủ chốt như lịch sử, tự điển… làm bệ phóng cho phát triển giáo dục. Ông cũng nhấn mạnh cần xã hội hóa giáo dục, nơi thể dục - đức dục và trí dục là ba chân vạc trong nền giáo dục mới. Rất cần kỷ luật nhưng đó phải thật sự là giải phóng con người, chứ không phải là chiếc lồng gượng ép giam chặt con người. Ngoài ra, đơn vị cơ bản nhất của xã hội, gia đình, cũng cần quan tâm và được gây dựng.
Có thể nói rằng những tác phẩm đăng báo và tiểu luận của Nguyễn Duy Cần là nguồn tư liệu đáng quý về một học giả nổi bật của miền Nam Việt Nam giai đoạn trước năm 1975. Di sản mà ông để lại vẫn còn giá trị cho đến ngày nay và tương quan về sự hòa hợp, phối hợp cũng như căn chỉnh cho đến cân bằng luôn là lẽ sống con người muốn hướng đến.
Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều di cảo [...] của Nguyễn Duy Cần được tập hợp, khai thác, để gửi đến độc giả không khí sôi động của làng báo thời đó, cũng như tư duy của một người tài từng xuất hiện ở trong lịch sử Việt Nam.