Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bút danh Thu Giang của học giả Nguyễn Duy Cần có từ khi nào?

Trong giai đoạn 1937-1938, Nguyễn Duy Cần liên tục cho xuất bản bán nguyệt san "Nay". Tại đây, ông là một trong những cây bút chủ lực với bút danh Thu Giang.

Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang) là một học giả, nhà văn, nhà biên khảo kỳ cựu bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Đương thời, ông làm nghề viết sách, dạy học, chữa bệnh, nghiên cứu triết học phương Đông. Những tác phẩm của ông không chỉ có văn phong sâu sắc, mà còn chứa độ sâu học thuật, mang sức nặng tư tưởng, tác động đến nhiều thế hệ độc giả.

Với nghiệp viết lách, ông từng lấy nhiều bút danh: Thu Giang, Linh Chi, Bảo Quang Tử, Hoàng Hạc… Trong đó, hiệu Thu Giang được sử dụng thường xuyên nhất và cũng nổi tiếng nhất.

Trong cuốn Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Những bài đăng báo và tiểu luận (do Nguyễn Văn Nghiêm và Đỗ Biên Thùy sưu tầm, giới thiệu), độc giả không chỉ được tiếp cận những tư liệu lần đầu tiên được công bố bên cạnh những di cảo của học giả Nguyễn Duy Cần, mà còn được tìm hiểu những bài viết của ông với bút danh Thu Giang đã đăng trên bán nguyệt san Nay.

Theo đó, bán nguyệt san Nay ra nửa tháng một kỳ với 4 mục chính: Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương. Đây là tạp chí đầu tiên do Nguyễn Duy Cần làm giám đốc kiêm tổng biên tập.

Trong 2 năm 1937-1938, ông không cho ra mắt thêm tác phẩm nào, nhưng liên tục cho xuất bản bán nguyệt san Nay. Tại đây, ông là một trong những cây bút chủ lực với bút danh Thu Giang.

Nguyen Duy Can anh 1

Cuốn sách tập hợp những tư liệu của học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Ảnh: NXB Trẻ.

Những bài viết của Thu Giang trong mục Triết học chủ yếu trình bày các vấn đề đã được bàn trong sách Toàn chân triết luận được xuất bản trước đó. Mục Y học nói về việc ăn uống theo quy luật âm dương, khảo cứu về các loại rau củ mang dược tính trong y học cổ truyền.

Còn mục Khoa học bàn về sự liên quan mật thiết giữa cơ thể người với việc vận hành của vũ trụ và các vì tinh tú. Ở mục Văn chương, Thu Giang dịch văn của Trang Tử, Lão Tử ra tiếng Việt và sáng tác tiểu thuyết đăng nhiều kỳ.

Ngoài cây bút chủ lực Thu Giang, bán nguyệt san Nay còn thu hút những học giả có uy tín thời kỳ đó gửi bài cộng tác như: Sư Thiện Chiếu, họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, Tùng Chi, Phương Thảo…

Không chỉ tập hợp những bài viết trên bán nguyệt san Nay (năm 1937) của cây bút Thu Giang, cuốn Thu Giang Nguyễn Duy Cần: Những bài đăng báo và tiểu luận cũng giới thiệu tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt nam đi về đâu? (được ông hoàn thành năm 1960).

Trên cơ sở quan sát và suy nghĩ về thực trạng văn hóa và giáo dục của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1960, Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết tập tiểu luận này. Vào thời điểm đó, các trào lưu văn hóa, triết học của phương Tây ồ ạt tràn vào miền Nam.

Vốn là người làm văn hóa thuần túy, ông chuyên tâm đến các học thuật cổ truyền phương Đông. Ông kêu gọi giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa cổ truyền dân tộc, loại bỏ hủ tục, gìn giữ tinh hoa mà cụ thể là tình cảm gia đình.

Qua đó, độc giả thấy rằng trong nền văn hóa và giáo dục mà học giả Nguyễn Duy Cần đề xuất, mọi giai tầng luôn được bình đẳng về phương tiện, mỗi cá nhân thực hiện được sự phát triển vượt bậc của mình vì lợi ích chung của văn hóa nước nhà.

MC Liêu Hà Trinh gợi ý 5 cuốn sách nên đọc trong dịp hè

“Tôi tự học”, “Thuật tư tưởng”, “Khu vườn mùa hạ”, “Tuyển tập Akutagawa” và “Yêu những điều không hoàn hảo” là các tác phẩm được nữ MC khuyên đọc trong mùa hè này.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm