Một em bé Việt Nam sinh ra ở Đức nhưng được nằm trong cái nôi tre thuần Việt, được bú mẹ hàng giờ thay vì phải ngậm nắm vú cao su vô cảm, được bố ôm ấp, được mẹ hát ru... Em bé ấy không chỉ nói “sõi” tiếng Việt mà còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài.
Mai Lan – tên em bé - lớn lên giữa hai ngôn ngữ mà không hề gặp rào cản về trí tuệ, là vì từ khi mới sinh ra cho đến lúc hai tuổi, em đã được nuôi dưỡng bằng tình thương trìu mến, bao dung và sự thận trọng về dinh dưỡng, hình thành nên bản ngã với khả năng vượt giới hạn và trải nghiệm tự do. Đối với mẹ của em bé – Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan – “điều quan trọng nhất cho một đứa bé, ngoài dinh dưỡng là cuộc đối thoại không ngừng”.
Tất cả những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, từ vẻ đẹp của chiếc lá vàng rụng trước sân hay bóng trăng rọi trên tường, người mẹ đều cùng con quan sát, khám phá và cảm nhận.
Tác phẩm Thư gửi con của tác giả Thái Kim Lan. |
Đó là lý do ra đời của cuốn sách Thư gửi con, cuốn sách tập hợp những lá thư và tùy bút (bằng tiếng Đức và tiếng Việt) mà Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan dành cho con gái Mai Lan. Đó là câu chuyện “truyền thông” (communication) mà một người mẹ rất hiểu về thai giáo và Phật pháp đã áp dụng để nuôi con khôn lớn.
Nhận xét về cuốn, sách cố Giáo sư Trần Văn Khê từng viết: "Quyển sách Thư gửi con này nếu đọc từ đầu chí cuối thì giống hệt như những dòng tự truyện được viết ra từ trái tim và… cái bụng của một người Mẹ tuyệt vời. Quyển sách lại có một giá trị đặc biệt cho những chuyên gia, những hội nhóm có liên quan về thai giáo và nuôi dưỡng trẻ em tham khảo. Thư gửi con còn là một quyển sách bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của đạo Phật trong khi nuôi dưỡng đứa con."