Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thằng nớ con nhà ai?' đẫm mình trong hồn quê bàng bạc

Tập truyện ngắn của tác giả Trương Điện Thắng mở ra một lối về cho những đứa con xa xứ được đẫm mình vào hồn quê.

Thằng nớ con nhà ai? tập hợp 19 truyện ngắn, dù mang đến những câu chuyện khác nhau nhưng tựu trung đều đưa bạn đọc về không gian quê nhà đặc thù mà chính tác giả được sinh ra và trưởng thành, cùng với những tập quán, sinh hoạt của con người nơi đó.

Những câu chuyện trong tập truyện có khi lấy chất liệu từ lịch sử để kể lại, khiến chúng trở nên lạ lẫm nhưng không kém phần thú vị với độc giả ngày nay.

Hồn quê qua ngòi bút của Trương Điện Thắng không mang màu sắc yên bình êm ả như người ta thường nghĩ đến, mà được bóc tách ra từng lớp xáo động dữ dội từ quá khứ đến hiện tại. Đọc Thằng nớ con nhà ai? để thấy thân phận của bao lớp người cha ông đã dựng nên làng, cũng như thấy những niềm tin, tình yêu và thăng trầm của họ.

Hồn quê trong tập truyện là thứ căn tính tưởng như huyền sử, mênh mông, bàng bạc, cổ tích, nhưng cũng chính nó đã khuôn khổ con người ta vào lề lối làm người.

Điều linh thiêng tưởng như đã chết, đã mất trong thời hiện đại, nhưng trong lòng mỗi người con quay về cố hương hồn quê vẫn hiển hiện sừng sững sau cổng làng. Trước hồn quê, người ta thấy choáng ngợp, nhưng cũng yên lòng vì tìm thấy được nơi mình thuộc về, như cha ông mình đã cảm thấy bao đời nay.

Nhiều mảnh đời được nói đến trong tập truyện không khỏi mang đến cho người đọc niềm cảm thương sâu sắc.

Đọc truyện ngắn, ta sẽ gặp lão Năm Dần thấp nhỏ, có dáng đi thơ thới, tự tin. Nhưng con người đó đã từng có một quá khứ đau buồn, nặng trĩu. Lão mồ côi cha mẹ, bị anh trai bán đi ở đợ 10 năm, hết 10 năm lại bị bán tiếp 10 năm nữa, rồi cuối cùng lão phát điên, bỏ quê nhà đi biệt tích. Lão có điên thật không?

Câu trả lời được tìm thấy qua lần nói lỡ của lão với con gái nhiều năm sau này; cay đắng có, chua xót có, nhưng tuyệt nhiên không oán trách ai: “Nếu tao không điên làm sao thoát được kiếp làm trâu ngựa nhà Thủ Thiên! Tao không điên mà bỏ đi thì ông bác mày phải bán vợ đợ con để trả nợ suốt đời hay sao? Tao không điên thì làm sao gặp được mẹ mày? Khổ nhục lắm, nhưng mà quên đi con ạ!”  (truyện Lão Năm Dần).

Đó là vụ ông Tư Bít vì đói mà đi ăn trộm đôi đòn bánh tét của nhà phú hộ ngày 30 Tết. Nhưng thấp thoáng bên cạnh câu chuyện đó lại là một câu chuyện khác. Rằng nhà phú hộ chỉ làm oai cho Tư Bít chừa thói xấu chứ không độc ác như vậy, sau còn giúp Tư Bít đi xa lập nghiệp làm ăn. (truyện Vụ trộm đêm cuối năm).

Thang no con nha ai? cua Truong Dien Thang anh 1
Tập truyện Thằng nớ con nhà ai? của nhà văn Trương Điện Thắng.

Cái nghèo đói, khốn khổ của kiếp người quyện lẫn vào nó một màu khói sương của tình người. Nhiều truyện ngắn khác trong tập truyện ta cũng bắt gặp được giá trị nhân bản này.

Mảnh đất làng ấy không thiếu những thân phận người và cũng không thiếu những câu chuyện tình. Ở đó có những tình yêu mộc mạc, đậm sâu như trong: Tình thơ dại, Tuổi Thìn lận đận, Con gà đất… Những mối tình đẹp rất chân quê, son sắt, dù có lúc cũng đau thương, đượm buồn.

Nhưng dù khai thác ở đề tài nào, điều dễ dàng nhận ra trong tập truyện ngắn Thằng nớ con nhà ai? là tình cảm ấm áp dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả Trương Điện Thắng.  

Chọn một lối viết dung dị, không cầu kỳ, không hoa mỹ; nhưng bàng bạc một màu ký ức đan xen vào hiện tại, các truyện ngắn của tác giả Trương Điện Thắng vì thế mà dễ neo lại trong lòng người đọc.

Trương Điện Thắng chia sẻ: “Một nhà văn Nga, Solzenitsin từng nhắc lại một câu tục ngữ của quê hương ông trong diễn từ Nobel 1972, đại ý rằng: Hãy tin vào mắt bạn, dù đôi mắt đó bị lé! Tập truyện của tôi đa phần hình thành từ những trải nghiệm của bản thân mình ở một làng quê, vì vậy tôi hy vọng nó sẽ được đón nhận và đối xử như một đóng góp mang tính riêng rẽ vào dòng chảy văn chương hôm nay!”. 

Tuổi 20 chông chênh lắm!

Đại lộ không đèn là con đường của những người trẻ đang thời yêu đương mộng mơ, rộn rã và vấp phải bóng đen của nỗi buồn, cơn đau, thậm chí, cả niềm tuyệt vọng.


Trịnh Dung

Bạn có thể quan tâm