Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thềm cũ xanh rêu

Vì nhà thưa người đã lâu nên trong mùa mưa, sân nhà đầy rêu xanh. Ngày trước, sân cũng có rêu nhưng chỉ có một vài chỗ.

Những hôm tôi từ Sài Gòn về, bầy chó cũng vội ra mừng nhưng tôi cảm thấy chúng có chút gì hờ hững, không nhiệt tình như khi mừng mẹ tôi. Đợi tôi xoa đầu một chút thì chúng lảng ra, kêu đến tên con nào thì con đó nằm vẫy đuôi, hướng mắt nhìn về phía tôi, nghếch mõm lên như cười với tôi một chút nhưng không thèm chạy đến.

Hình như chúng không còn cảm thấy tôi là người thật sự thân thiết với chúng nữa. Chỉ hôm nào ba tôi vào, ông ngồi bẹp dưới nền nhà, mấy con chó không được lên thềm nhưng đứng dưới sân nhìn lên vẫy đuôi liên tục sau khi đã chạy theo xe liếm chân ông cho bằng được, giờ lại tiếp tục mừng lão chủ đã lâu ngày không thấy mặt... Nay thì chúng không còn nhìn thấy ông nữa, vì người đàn ông ấy đã về một phương trời nào xa lắm rồi...

Vì nhà thưa người đã lâu nên trong mùa mưa, sân nhà đầy rêu xanh. Ngày trước, sân cũng có rêu nhưng chỉ có một vài chỗ; khi đưa con gái về nội, tôi dặn con không được đi trên rêu vì sẽ trợt té, nó nhiệt tình dặn ngược lại chú nó hệt như vậy! Còn bây giờ, rêu mọc khắp nơi.

Cái sân xi măng đã phủ một tấm thảm xanh tuyệt đẹp. Có bữa nắng vừa lên, lọt qua các kẽ lá điểm những đốm sáng lấp lánh trên sân, sau khi quét sạch lá, tôi chọn nhiều góc để chụp những bức ảnh đẹp. Có tấm chụp cả con chó đang nằm lim dim ngủ nhưng đầu vẫn hướng về phía cổng để xem có ai tới hay không...

Ky  uc anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dennis Leinarts/Pexels.

Thảm rêu làm tôi nhớ tới những đám cỏ lông heo trên ruộng hồi còn dưới quê. Đó là một loại cỏ họ Năn, thân mảnh và ngắn, chỉ cỡ đầu tăm. Khi mọc dày trên các đám ruộng không thường xuyên ngập nước, chúng kết thành một thảm xanh, có khi đi không lấm bùn.

Người ta thường “trị” cỏ lông heo bằng cách “cuốc lật”, tức là cuốc úp mặt đầy cỏ xuống nước để cỏ bị úng chết; còn không thì rải vài nắm lúa xuống đám cỏ này, rồi lùa bầy vịt tới để chúng mò ăn lúa, đồng thời rỉa tróc cả rễ cỏ... Rêu cũng đi êm và mát bàn chân như đi trên cỏ lông heo nhưng không khéo sẽ bị trượt.

Có bữa tôi đứng từ xa nhìn về phía ngôi nhà cũ với cái sân rêu loang lổ nắng và phủ đầy lá vú sữa mà chợt thấy ngùi ngùi. Thiếu hơi người, tường vôi bong từng mảnh, các lối đi cây cỏ mọc tràn lan, trên vài cây bưởi, khổ qua đã leo lên đến ngọn nở những cái hoa vàng xinh xinh...

Vắng hơi người, bầy muỗi như bị bỏ đói lâu ngày liền đeo vào người tôi mà hút máu. Tôi bước chầm chậm vào nhà, đi qua sân rêu tôi cố giậm chân, không phải để khỏi trượt chân mà chính là muốn để lại dấu chân trước nhà, để biết rằng ngôi nhà này vẫn có dấu chân người, vẫn còn có hơi người, không phải chỉ có mẹ tôi ra vào quạnh quẽ...

Một cơn gió chợt thoảng đến, tôi rùng mình khi nghĩ nay mai mẹ tôi cũng không còn sức vào vườn chặt chuối, bỏ phân, quét lá, lượm điều... thì ngôi nhà này lại càng thêm vắng vẻ. Ngoài kia, tiếng chim hót như nhiều hơn, có cả tiếng quạ kêu “quạ quạ” hay bầy chào mào gọi nhau ríu rít hoặc tiếng rít lảnh tai của con chim cắt, cả tiếng chó ở hai bên hàng rào sủa nhau inh ỏi, nhưng thiếu tiếng người thì tất cả đều trở nên lạnh lẽo, lặng buồn.

Bâng khuâng đứng bên thềm, tôi nghĩ đến cái dáng xiêu vẹo của ba tôi khi đi trên chân giả, hay cái dáng đã còng lắm rồi của mẹ tôi ngày nào, nhớ đến mái tóc tôi đã điểm bạc, trong khi các con tôi đã là thiếu nữ... Ôi, mấy mươi năm bao nhiêu là thay đổi, từ cảnh vật cho đến con người. Thì cái thềm cũ và cái sân xưa giờ đầy rêu cũng chẳng có gì là lạ!

Bất giác, tôi thấy sống mũi cay cay!

Nguyễn Minh Hải/NXB Trẻ

SÁCH HAY