Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức mai vàng

Tôi lặng lẽ đứng nhìn, nhớ lại những buổi nắng sớm se lạnh, sương còn mờ ảo thì mai đã vàng rực lên.

Nhiều năm trước, đoán trước bệnh tình của ba, nên gia đình đã dời nhà ra mặt đường lớn. Căn nhà trong rẫy giờ trở nên quạnh quẽ. Bầy chó giữ nhà thiếu hơi chủ cũng buồn ra mặt. Chúng hay ra nằm trước cổng, chờ tiếng xe mà nhổm người lên nhìn, nếu thấy người lạ thì sủa vài tiếng lấy lệ, còn thấy người quen thì chồm lên cánh cổng mừng rối rít.

Khóa vừa mở, chúng liền xúm vào quấn lấy chân, liếm lấy tay rồi chạy theo vào trong nhà... Tôi vô trước sân, xoa đầu đám chó rồi nhìn lên tàng cây vú sữa. Cây này năm nào cũng trái nhiều nhưng không ăn được bao nhiêu vì bị sâu, thường xuyên rụng đầy sân. Trước đây, ba tôi còn khỏe thì vẫn hay bắc thang xịt thuốc, tết thế nào cũng có trái ăn, loại trái chín thì trắng xanh, da căng bóng, nước nhiều, ngọt lịm...

Ngoài xa xa, đám mai đã bạc lá, dường như chờ bàn tay con người tuốt trụi lá sẽ lập tức bung nụ, khoe chồi. Tôi lặng lẽ đứng nhìn, nhớ lại những buổi nắng sớm se lạnh, sương còn mờ ảo thì mai đã vàng rực lên, cho tôi tha hồ chọn góc để chụp những kiểu ảnh đẹp. Còn bây giờ, có lẽ qua tết, rồi đợi đến năm sau, chắc gì còn cái cảnh ngày xưa đó; có chăng chỉ vài bông mai nhỏ xíu vẫn cố xòe ra, rồi đậu thành trái, thành hạt, cố mà duy trì giống nòi theo bản năng sinh tồn...

Tôi chọn một cây mai khá tốt, chiều cao vừa tầm, bắt đầu lặt lá. Mất hơn một tiếng đồng hồ tuốt hết lá, rồi kéo ống tưới. Hôm nay đã là chiều mùng một tết, nếu theo lệ thường, hai tuần nữa hoa sẽ nở. Khi đó tôi đã về Sài Gòn rồi. Biết đâu ba tôi khi lò dò chạy chiếc xe ba bánh vào rẫy, nhìn thấy cây hoa vàng hoe qua ánh mắt đã mờ dần vì tuổi tác và bệnh tật, ông lại đeo chân giả và chống nạng ra xem. Rồi ông sẽ lại cảm giác như mùa xuân đang rào rạt đến một lần nữa...

Tôi đứng ngây người ra hồi lâu, mặc cho con chó đến cọ cọ rồi nằm dưới chân. Trong đầu tôi miên man nghĩ, năm nay dẫu tết không có mai nhưng qua tết mai sẽ nở, hy vọng năm sau, năm sau nữa cũng thế. Để tôi vẫn thấy sắc xuân đâu đó trên từng bờ rào, từng gốc điều, từng bụi chuối..., chứ không chỉ trên những cội mai. Bởi ở đó, từng có bàn tay của ba tôi trồng trọt, chăm sóc. Bất giác tôi thấy trời tối rất nhanh, trời bỗng trở lạnh mà sống mũi lại cay cay...

Tục ngữ Anh có câu: “Hòn đá lăn mãi thì chẳng mọc rêu”. Chắc chẳng phải chỉ có người Anh, người Pháp mới thấy điều đó mà người khắp nơi trên thế giới này cũng nhận ra điều tương tự. Cũng như nơi vắng dấu chân người thì không chỉ có rêu mà cỏ dại cũng mọc đầy...

Ngôi nhà cũ của gia đình tôi trong rẫy kể ra cũng khá khang trang: tường gạch, mái tôn, sàn lát gạch bông, xung quanh có hàng hiên rộng rãi. Trước nhà có cây vú sữa đã già, thân cao tán rộng. Bên trái là cây chôm chôm cổ thụ, tán phủ cả một góc mái nhà, nhiều năm anh em chúng tôi chỉ việc leo lên mái nhà thì có thể hái vài thúng trái. Bên phải là cây xoài cát Hòa Lộc đã bắt đầu cho trái. Quanh nhà là điều, bưởi, chuối..., nên lúc nào cũng mát rượi.

Có thể coi đây là một cơ ngơi do ba mẹ tôi tạo dựng, sau nhiều nhọc nhằn suốt hơn ba mươi năm qua. Chính ngôi nhà này cũng đã được dời nhiều lần, từ căn nhà đầu tiên với mái lá dừa nước, phủ thêm lớp giấy dầu, vách liếp, nền đất rồi chuyển dần thành nhà mái tôn, nền xi măng...

Cái “nhà dưới” của ngôi nhà hiện nay trước đây vốn là “nhà trên” của nhà cũ, ba tôi cơi nới, mở rộng mãi thành ra một căn nhà rộng rãi, tuy có cũ kỹ về kiểu dáng. Ngoài nhà chính, nhà bếp được cất theo kiểu chái như mẫu nhà truyền thống, còn có thêm một cái nhà kho rộng để chứa phân, thuốc, thiết bị làm vườn...

Nhưng vài năm trước khi mất, ba tôi đã già yếu, bệnh tật, sau đó còn phải cắt một bên chân. Tính trước tình huống đó, mấy năm trước, ba tôi đã xây sẵn một căn nhà mới ngoài đường lớn, ở cùng gia đình đứa em út để các cháu tiện đi học. Vì vậy, ngôi nhà trong rẫy ngày càng thưa người lui tới. Khách khứa thì hoàn toàn vắng rồi.

Chính người trong gia đình trừ mẹ tôi ra, còn lại các thành viên khác đều ít khi vào. Ba tôi đi lại khó khăn, chỉ vào đây khi có ai chở. Những người khác nếu không có việc cũng không ai vào và ở lại. Ngày ngày tháng tháng chỉ có ba chú chó trung thành giữ nhà, thường xuyên nằm dưới bụi hoàng yến ngay trước cổng, chờ chủ vào thì xổ ra mừng...

Nguyễn Minh Hải/NXB Trẻ

SÁCH HAY