Khuya 6/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận bệnh nhân T.C.T. (18 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) vào viện với tình trạng mệt. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, nhưng nôn ói nhiều.
Trước ngày nhập viện, bệnh nhân này uống rượu với 4 người bạn có pha nhầm chai cồn rửa tay. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân là 242,25 mg/dL.
Bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân được đưa vào khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU). Người này đang được các bác sĩ lọc máu, sử dụng vitamin B1...
Chiều 7/8, anh P.T.Q. (21 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, người uống rượu chung nhóm với bệnh nhân T.), cũng nhập viện Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được. Hiện chưa có quả xét nghiệm độc chất, nhưng bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc methanol ngày 3. Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Cùng thời điểm trên, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận 3 bệnh nhân khác nghi ngộ độc rượu, đang chờ kết quả xét nghiệm methanol.
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi... Tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu, nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định khuyến cáo người dân không nên uống rượu, bia không rõ nguồn gốc để tránh tình trạng ngộ độc methanol.