Trong số 5 người biểu tình thiệt mạng được ghi nhận trong ngày 14/3, có 3 người ở Yangon - tử vong sau khi lực lượng an ninh nổ súng giải tán người biểu tình chống chính biến, theo Reuters.
Ít nhất 2 trường hợp được ghi nhận ở các địa phương khác. Cụ thể, một thanh niên trúng đạn và tử vong tại thị trấn Bago, gần thành phố Yangon. Theo Kachin Wave, một người khác ở thị trấn Hpakant vùng đông bắc Myanmar cũng thiệt mạng trong lúc tham gia biểu tình.
Theo các nhân chứng và truyền thông địa phương, phía quân đội đã dùng đạn hơi cay với đám đông người biểu tình, Reuters đưa tin.
Trước đó một ngày (13/3), ít nhất 13 người biểu tình đã thiệt mạng, đánh dấu một trong những ngày ghi nhận nhiều người tử vong nhất kể từ khi cuộc chính biến xảy ra vào hôm 1/2.
Phong trào biểu tình ở Myanmar lan rộng nhằm phản đối chính quyền quân sự nắm quyền. Ảnh: Reuters. |
Ở thành phố Yangon, hàng trăm người biểu tình dựng hàng rào thép gai và bao cát để ngăn chặn các binh lính. Ở một khu vực khác, họ còn ngồi biểu tình dưới những tấm bạt và hô vang: "Chúng ta cần công lý".
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters. Một bản tin của đài truyền hình quân sự MRTV đã xác định những người biểu tình là "tội phạm".
Trước tình hình này, ông Mahn Win Khaing Than, cựu chủ tịch quốc hội Myanmar, đã kêu gọi người dân tiếp tục phản đối chính quyền quân sự, đồng thời khẳng định chính quyền dân sự sẽ “cố gắng lập lại trật tự để người dân tự vệ” trước quân đội.
Ông nói với người dân: “Đây là thời điểm đen tối nhất của quốc gia, nhưng bình minh đã đến gần”.
Trước đó vài ngày, ông Khaing Than mới được Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bổ nhiệm làm quyền phó tổng thống Myanmar. Theo đảng NLD, ông Khaing Than sẽ thay thế tổng thống vắng mặt để lãnh đạo chính phủ liên minh và tổ chức các hoạt động của chính phủ.
Tính đến ngày 13/3, khoảng 80 người biểu tình đã thiệt mạng và hơn 2.100 người khác bị bắt giữ, theo Hiệp hội Hỗ trợ cho Tù nhân Chính trị.