Trong một tuyên bố xác nhận sự việc, trưởng bộ lạc Penelakut, ông Joan Brown, nói: "Chúng ta đang ở thời điểm phải đối mặt với tổn thương vì những hành động diệt chủng này", theo AFP.
Ông Bob Chamberlin, cựu phó chủ tịch của Liên minh các tù trưởng người da đỏ British Columbia, cho biết: “Đó mới là phần nổi của tảng băng”. Ông Chamberlin ước tính hàng chục ngôi mộ khác không được đánh dấu vẫn chưa được tìm thấy.
"Tôi đau lòng cho bộ lạc Penelakut và tất cả các cộng đồng bản địa trên khắp đất nước", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu ngày 13/7. "Chúng ta không thể mang những người đã mất trở lại, nhưng chúng ta có thể và sẽ tiếp tục nói lên sự thật, cũng như việc chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với người dân bản địa để chống lại sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc có hệ thống bằng những hành động thực tế, cụ thể".
Phát hiện mới nhất trong một loạt các khám phá đau thương về các khu mộ của học sinh bản địa đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp Canada. Ảnh: AP. |
Trường nội trú dành cho người bản địa trên đảo Penelakut, phía tây thành phố Vancouver, tuyển sinh học sinh bản địa từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1975.
Phát hiện này được công bố sau khi 3 khu mộ khác được phát hiện trên khắp Canada. Tháng 6, hài cốt của khoảng 215 trẻ em bản địa đã được tìm thấy ở bang British Columbia, trước đó là 715 ngôi mộ không tên.
Mỗi phát hiện đều làm sống lại lịch sử đau thương của khoảng 150.000 trẻ em bản địa, những người khi còn là học sinh đã bị chia cắt khỏi gia đình, ngôn ngữ và văn hóa của họ.
Đến năm 1990, trẻ em bản địa đã bị buộc phải đăng ký vào 139 trường nội trú trên toàn quốc. Theo một ủy ban điều tra, chính phủ Canada đã tham gia vào "cuộc diệt chủng văn hóa", khiến nhiều học sinh đăng ký phải chịu đựng sự đối xử tồi tệ hoặc xâm hại tình dục. Hơn 4.000 người đã chết trong khuôn viên trường.
Năm 2008, Thủ tướng Canada khi đó, ông Stephen Harper đã thay mặt người dân Canada xin lỗi người bản địa về chính sách trường nội trú năm xưa.