Cuối tháng 4/2019, ngay sau khi Bamboo Airways đề xuất tăng khai thác lên tổng cộng 40 máy bay trong năm 2019, Cục Hàng không đã bác bỏ và đưa ra phương án điều chỉnh do lượng máy bay lớn sẽ vượt quá năng lực giám sát của cơ quan này.
Đại diện Bamboo Airways khi đó nhận rằng trong lịch sử ngành "chưa từng có trường hợp doanh nghiệp bị từ chối phát triển vì vượt quá khả năng quản lý của cơ quan chức năng".
Tăng 12 máy bay một năm có ít?
Sau đề xuất từ hãng bay khởi nghiệp của tập đoàn FLC, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc với doanh nghiệp và đi đến phương án hài hòa giữa đôi bên. Theo Bộ, Bamboo Airways sẽ được tăng khai thác thêm 12 máy bay trong năm 2019 và tăng số lượng máy bay từ 10 chiếc hiện tại lên 30 chiếc đến năm 2023.
Bamboo Airways là hãng bay Việt được tăng nhiều máy bay nhất trong năm 2019, 12 chiếc, theo kế hoạch của Bộ GTVT. Ảnh: Kobi Ben Navi. |
Con số 30 máy bay vào cuối năm 2023 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 40 chiếc ngay trong năm 2019 của Bamboo Airways. Tuy nhiên, con số 12 máy bay tăng thêm trong một năm của Bamboo Airways có phải là ít?
Theo Bộ GTVT, 12 chiếc máy bay mới là con số hợp lý dựa trên tình hình khai thác của hãng, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam và khả năng quản lý của cơ quan chức năng.
Thực tế, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử của các doanh nghiệp hàng không tại Việt Nam. Theo Routesonline, Vietjet Air là hãng hàng không tăng trưởng lượng ghế cung ứng nhanh thứ 2 thế giới trong năm 2018. So với năm 2017, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã tăng 27,1% lượng ghế cung ứng ra thị trường lên mức hơn 20,6 triệu ghế.
Để đạt được mức tăng trưởng cao thứ 2 thế giới, Vietjet Air đã tăng khai thác thêm khoảng 10 máy bay trong năm 2018. Nói cách khác, 10 máy bay một năm là mức tăng khai thác rất cao so với trung bình ngành hàng không thế giới.
Bộ GTVT cũng đề cập rõ trong thông cáo về điều chỉnh số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tới cuối năm 2023 về việc Vietjet Air sẽ được khai thác thêm trung bình 9-10 máy bay/năm và được khai thác thêm 11 máy bay tới cuối năm 2019.
Sau năm 2019, Bamboo Airways sẽ có đội bay gồm 22 chiếc. Điều này đồng nghĩa hãng sẽ chỉ có thể tăng khai thác 8 chiếc máy bay trong 4 năm tiếp theo, tương đương 2 máy bay mỗi năm.
Bài toán về nguồn lực
Trong buổi làm việc với doanh nghiệp, Bộ GTVT đã yêu cầu Bamboo Airways phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan đánh giá hồ sơ, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và tính khả thi nếu được phê duyệt, giải trình rõ nguồn lực khai thác máy bay đảm bảo an ninh, an toàn và cung cấp các hợp đồng tuyển dụng lao động đã ký kết.
Bamboo Airways cũng phải thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về việc mua sắm các tàu bay phù hợp với các yếu tố liên quan và đảm bảo đủ điều kiện cho việc khai thác.
Điều này đồng nghĩa để khai thác được lượng máy bay mới, hãng bay phải chứng minh với cơ quan quản lý về việc đã sẵn sàng nguồn vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành máy bay. Nhân lực này bao gồm phi công, tiếp viên, thợ bảo dưỡng và một vài vị trí đặc thù khác.
Thiếu lao động kỹ thuật cao trong ngành hàng không đang là bài toán nan giải khi tốc độ phát triển của ngành quá cao khiến việc đào tạo nhân lực không thể theo kịp.
Giữa tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT có báo cáo đầy đủ về thực trạng khan hiếm nhân sự kỹ thuật cao trong ngành hàng không. Bộ này phải gửi báo cáo trình Thủ tướng trong tháng.
Theo nguồn tin của Zing.vn, phần nhiều phi công trong đội bay của Bamboo Airways hiện nay là phi công nước ngoài, do hãng tuyển dụng hoặc đi kèm máy bay thuê ướt (thuê máy bay kèm tổ lái).
Trước đó trong kết luận về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2016 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Thủ tướng đã nhận định cần đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ hàng không khi thành lập hoặc nâng quy mô hãng bay.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.
Ngoài ra, các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay.