Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thể thức thi đấu V.League 2020 có nên được duy trì?

Sự căng thẳng tới tận vòng đấu cuối cùng ở cả hai đầu bảng xếp hạng đặt ra câu hỏi có nên áp dụng thể thức thi đấu của V.League 2020 cho mùa giải kế tiếp?

Phân tích

The thuc V.League anh 1

Ngày 20/11, Hội nghị lần 7 Ban chấp hành khóa 8 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ được tổ chức để thông qua một số quyết định quan trọng. Trong đó, kế hoạch tổ chức V.League 2021 sẽ là một trong những trọng tâm cơ bản.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông qua đề xuất giữ nguyên thể thức thi đấu của V.League 2020 cho mùa giải kế tiếp. Đề xuất này sẽ được đệ trình ban chấp hành (BCH) VFF trong hội nghị trên.

Thông tin này lập tức tạo ra nhiều tranh luận trên các diễn đàn. Ủng hộ có, phản đối cũng. Nếu đề xuất được thông qua, khả năng các tranh luận trở thành tranh cãi gay gắt là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

The thuc V.League anh 2

Viettel đăng quang ngôi vô địch sau màn cạnh tranh kịch tính với CLB Hà Nội và đội Sài Gòn. Ảnh: Y Kiện.

Các đội "buông súng"

Những người phản đối cho rằng với thể thức truyền thống, đá vòng tròn 2 lượt (double round-robin), số trận đấu của mùa giải sẽ nhiều hơn, và điều đó có lợi cho nhiều đối tượng liên quan, từ cầu thủ, ban huấn luyện tới đội bóng. Thêm vào đó, có ý kiến nhận xét chính thể thức chia 2 tốp ở giai đoạn 2 sẽ khiến nhiều CLB hết mục tiêu, nên đá không nhiệt tình và trở thành kho điểm cho các đội khác.

Ý kiến này không phải không có lý, nhất là sau khi nhìn vào bảng tổng sắp sau giai đoạn 1 và so sánh nó với bảng xếp hạng chung cuộc. Những đội như Quảng Ninh, CLB TP.HCM, Bình Dương, HAGL có vẻ tràn đầy cơ hội tranh ngôi vô địch khi có 20 điểm trong tay (Quảng Ninh 21 điểm - PV). Song, nếu so với tổng điểm của CLB Viettel khi kết thúc giải, chúng ta thấy khả năng họ buông súng là có.

Viettel vô địch với 41 điểm. Như vậy, để HAGL, CLB TP.HCM, Bình Dương có điểm số này, họ phải toàn thắng 7 vòng cuối. Không đội nào dám đặt mục tiêu ấy, nhất là ở giải đấu còn lắm chuyện mờ mịt như V.League. Bởi thế, việc Quảng Ninh "thả trôi" và cho Hải Phòng mượn 2 trụ cột (Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú) và trả lại Andre Fagan cũng có lý do của nó.

Đội dẫn đầu giai đoạn một là CLB Sài Gòn (24 điểm) và Viettel (22 điểm). Trước khi vào giai đoạn 2, lãnh đội nào cũng tính toán khả năng của mình dựa trên 7 trận còn lại. Với họ, thắng 5 trận đã là kỳ tích. Và khi so sánh thực lực với 2 đội đầu bảng, chắc chắn họ không thấy cửa sáng. Bởi thế, "đá cho vui" là có thể có thật.

The thuc V.League anh 3

HAGL thua 6 trên 7 trận ở giai đoạn 2 V.League 2020. Ảnh: Y Kiện.

Tuy nhiên, nếu phản bác bằng các phân tích như vậy, chúng ta cũng nên nhìn vào CLB Hà Nội. Họ cũng có 20 điểm như HAGL, CLB TP.HCM và Bình Dương nhưng tại sao vẫn là á quân với 2 điểm ít hơn Viettel?

Nếu CLB Hà Nội thắng Viettel ở vòng 5, họ mới là nhà vô địch với 7 trận thắng tuyệt đối. Viettel cũng không thua kém CLB Hà Nội khi có 19 điểm ở 7 vòng cuối. Điều đó chứng tỏ, có thực lực và nỗ lực thì sẽ có kết quả khả quan.

Đến đây, chúng ta thấy không thể biện minh cho Quảng Ninh được. Nếu nỗ lực và giữ quân, họ không chỉ có 10 điểm ở 7 vòng của giai đoạn 2. Chẳng lẽ, khát vọng lấy huy chương bạc hoặc đồng họ cũng không có? Khi không có khát vọng, chắc chắn không nên đổ tại thể thức thi đấu.

Ai dám đảm bảo nếu giữ thể thức thi đấu cũ, với đủ 26 vòng đấu, các đội bóng không nhập cuộc với tâm thế buông súng như trên khi đạt mục tiêu trụ hạng an toàn? Bóng đá chân chính không chấp nhận cách tham dự kiểu buông xuôi ấy. Những thứ thuộc về tự thân, đừng nên bao biện bằng khách quan.

Tăng tính hấp dẫn

Nhìn vào mặt tích cực của thể thức V.League 2020, chúng ta có thể hiểu tại sao nó lại hấp dẫn đến vòng cuối. Ngoài nhóm tranh vô địch với các đội có thực lực đối diện nhau trực tiếp, nhóm tranh suất trụ hạng cũng có tính căng thẳng, bởi chính họ phải lấy điểm của nhau để sống và cùng công bằng trong cuộc đua sinh tồn khi không phải gặp các đội mạnh là ứng viên vô địch. Trận chiến vì thế sống còn, trực tiếp và căng thẳng hơn.

Việc chia làm 2 nhóm như vậy cũng tránh được các cuộc đối đầu dễ gây ngờ vực như Quảng Ninh - Hải Phòng, CLB Hà Nội - Quảng Nam, CLB Hà Nội - Đà Nẵng... Cách xé nhỏ thành 2 nhóm tách biệt nhau giúp giảm bớt hệ lụy của kiểu bóng đá liên minh, tình nghĩa. Tất nhiên, nó cũng hoàn toàn đạt được mục đích ban đầu là tiết kiệm thời gian do hậu quả của dịch Covid-19.

The thuc V.League anh 4

CLB Nam Định giành vé trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng đầy căng thẳng. Ảnh: Minh Chiến.

Cũng có người nói quốc tế không ai chơi thể thức này. Đúng là đa số các giải đấu trên thế giới đều chơi vòng tròn 2 lượt, nhưng không phải không có những giải chơi vòng tròn một lượt. Điển hình như giải vô địch Argentina. Số lượng đội tham dự quá đông, nên họ chơi vòng tròn một lượt. Có mùa thêm vào một vài "vòng derby" cho các đội cùng địa phương gặp nhau.

Thể thức nào cũng vậy, đều phải dựa trên đặc thù của nền bóng đá và hoàn cảnh của giải đấu. Chẳng có thể thức nào là tuyệt đối và tối ưu. Ngay cả đá vòng tròn 2 lượt, tiêu cực vẫn xảy ra nếu các đội bóng chủ động bắt tay nhau móc ngoặc. Do đó, để tạo tính hấp dẫn, con người chơi bóng, làm bóng đá và đội bóng phải là hạt nhân. Thể thức chỉ là phần gia vị tăng thêm.

Hướng tới V.League 2021, thể thức của mùa giải 2020 vẫn có thể tạo tính hấp dẫn và nên được áp dụng nếu có những điều chỉnh. Giả sử, 6 đội tranh trụ hạng có 2 suất xuống hạng và 1 suất đá play-off tranh trụ hạng với đội hạng 3 của hạng dưới, chắc chắn cuộc đua trụ hạng sẽ nghiệt ngã hơn, khi 6 đội có 3 đội an toàn. Số lượng đội an toàn ít hơn cũng sẽ đảm bảo ít xảy ra chuyện chia điểm hơn.

Nếu lo ngại chuyện cho mượn quân để cứu nhau như kiểu V.League 2020, điều đó là vô cùng. Chuyện cho mượn quân đúng kỳ chuyển nhượng là không trái luật định, nên khó có thể ngăn cản, dù bất kể mục đĩch sâu xa là gì, phòng người ngay chứ không ai phòng kẻ gian. Và khi người làm bóng đá thiếu tự trọng, chắc chắn họ cũng chẳng tồn tại được lâu trong thế giới mà người hâm mộ đã quay lưng.

Quan trọng nhất vẫn là con người. Khi con người đã tha hóa, chẳng thể thức nào chống đỡ nổi.

The thuc V.League anh 5

Bầu Hiển: 'Quan trọng là vô địch trong lòng người hâm mộ' Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đánh giá cao tinh thần chiến đấu hết mình của ban huấn luyện và các cầu thủ CLB Hà Nội dù họ không thể bảo vệ thành công chức vô địch V.League.

CLB Hà Nội mất và được gì ở V.League 2020?

Không đạt mục tiêu quan trọng là vô địch V.League, CLB Hà Nội vẫn tìm được vận may trong cái rủi.

Cú nước rút giúp CLB Viettel vô địch V.League 2020

CLB Viettel vô địch V.League 2020 nhờ khả năng bứt phá đúng thời điểm với hàng loạt trận thắng tối thiểu ở giai đoạn 2.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm