Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

The Last Dance - kiệt tác gây chấn động thể thao

Cuộc đời trọn vẹn vinh quang lẫn sự tranh cãi của "Vua bóng rổ" Michael Jordan đã tạo nên kiệt tác không thể chối từ với những người hâm mộ cả thể thao lẫn điện ảnh.

the last dance anh 1

Trong quãng thời gian từ 19/4 tới 17/5 – khi gần như toàn bộ hoạt động thể thao thế giới đóng băng vì dịch Covid-19 – một bộ phim tài liệu trở thành đề tài bàn tán xôn xao, được chờ đợi mỗi tuần như một series truyền hình bom tấn.

Đó là “The Last Dance” (tựa Việt là Mùa Giải Cuối Cùng) – series phim tài liệu gồm 10 tập xoay quanh mùa giải cuối cùng của huyền thoại Michael Jordan trong màu áo đội bóng rổ Chicago Bulls.

Với nội dung về bóng rổ, việc “The Last Dance” được giải NBA nói chung và nước Mỹ quan tâm là điều dễ hiểu. Nhưng tầm ảnh hưởng của series này còn vượt xa hơn môn bóng rổ.

Kình ngư Michael Phelps viết tâm thư nói anh từng muốn buông bỏ mọi thứ giống Jordan, Wayne Rooney chia sẻ nhìn người hùng thầm lặng Scottie Pippen khiến anh nhớ đến Park Ji-sung, hay Lucas Biglia mơ về cảnh Lionel Messi ôm chiếc cúp vàng World Cup 2022 và khóc như Jordan trong “The Last Dance”.

Nói không ngoa, đây là series mà mọi vận động viên, những người yêu thích thể thao hay đơn giản muốn được truyền cảm hứng đều có thể xem và bắt gặp chính mình trong đó.

the last dance anh 2

The Last Dance đang gây chấn động trong làng thể thao. Ảnh: Cnet.

Series thể thao đỉnh cao

Trong mùa giải 1997/98, đội ngũ quay phim được theo sát hành trình của đội Chicago Bulls để ghi lại những hình ảnh tập luyện, di chuyển và thi đấu. Hơn 500 giờ tài liệu đã ngủ yên trong gần 2 thập niên, cho tới khi Michael Jordan đồng ý cho sử dụng những đoạn tư liệu này để thực hiện bộ phim tài liệu. Đoạn trailer cho “The Last Dance” lần đầu được công bố tháng 12/2018 và lịch phát sóng ban đầu dự kiến là tháng 6/2020.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 đã khiến các nhà sản xuất quyết định phát hành series này sớm hơn dự kiến và nhanh chóng thu hút 7,2 triệu lượt xem tập đầu tiên. “The Last Dance” không mất nhiều thời gian để vươn lên trở thành series phim tài liệu thể thao được bàn tán và đánh giá cao bậc nhất lịch sử.

Trên Rotten Tomatoes, series được 96% đánh giá tích cực đồng thời đang xếp thứ 14/250 phim truyền hình hay nhất mọi thời đại của IMDB với điểm số 9,2/10. Vị trí của “The Last Dance” trên bảng xếp hạng của IMDB cao hơn bất kỳ series thể thao nào khác và thậm chí vượt qua cả những “Sherlock”, “House of Cards” hay “Stranger Things”... đình đám.

the last dance anh 3

Michael Jordan đồng ý đưa những khoảnh khắc cuối cùng trong sự nghiệp vinh quang của mình lên màn ảnh. Ảnh: Clutchpoints.

Để hoàn thiện “The Last Dance”, đạo diễn Jason Hehir đã dành 28 tháng liền để biên tập những đoạn phim tư liệu chưa được công bố cùng những đoạn phim phỏng vấn mới được thực hiện. Dù có nội dung chính xoay quanh mùa giải cuối 1997/98 của đội Chicago Bulls nhưng thực chất, series này kể lại toàn bộ sự nghiệp hiển hách của Michael Jordan từ khi còn chơi bóng tại trường học cho tới khi giải nghệ với tư cách cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất lịch sử.

Quãng thời gian Jordan tái xuất từ năm 2001-03 cùng đội Washington Wizards không được đề cập tới, thay vào đó mọi chuyện kết thúc với lần thứ 2 ông giúp Chicago Bulls làm được cú “three-peat” (ba chức vô địch NBA liên tiếp).

Việc đội Chicago Bulls trở thành thế lực của làng bóng rổ Mỹ với 6 lần vô địch trong 8 năm, hay cú sốc Michael Jordan giải nghệ năm 1993 để chuyển sang chơi bóng chày là những sự kiện quá nổi tiếng trong lịch sử.

Ngay cả khi đã được biết trước kết thúc, “The Last Dance” vẫn hấp dẫn, kịch tính như bộ phim điện ảnh. Đây là điểm đáng khen cho ê-kip của Hehir, với phần trung tâm là chặng đường tới chung kết mùa giải 1997/98 và mở ra những câu chuyện trong quá khứ, qua đó giúp lý giải cả tập thể Chicago Bulls và những cá nhân trong đó.

Ngoài yếu tố kể chuyện và âm nhạc, series còn ghi điểm với những đoạn phỏng vấn đắt giá. Nhiều người hâm mộ không khỏi bồi hồi khi thấy hình ảnh siêu sao Kobe Bryan vừa qua đời đầu năm nay trong tập thứ 5. Ngoài những cầu thủ, huấn luyện viên và các nhà báo thể thao, series còn phỏng vấn cả hai cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama.

Đặc biệt là ông Obama được giới thiệu với tư cách “cựu công dân Chicago” trong trường đoạn nói về ảnh hưởng của Michael Jordan tại thành phố này thập niên 1980.

“The Last Dance” không chỉ xoay quanh những câu chuyện sân cỏ mà còn khai thác đời tư - thứ góp phần hình thành cá tính trên sân bóng rổ. Đồng đội Dennis Rodman của Jordan tại Chicago Bulls là gã trai hư thứ thiệt, hẹn hò những mỹ nữ đình đám như Madonna hay Carmen Electra, có thói quen ăn mặc và đầu tóc lập dị.

“Siêu quậy” này thậm chí trốn tập cùng đội khi chuẩn bị chơi trận chung kết để đấu vật cùng Hulk Hogan. Tuy nhiên, HLV Phil Jackson vẫn để anh tiếp tục ra sân, bởi ông hiểu nếu để Rodman được thỏa sức làm điều mình thích ở bên ngoài, anh sẽ cống hiến 100% trên sân.

Cá tính của Rodman, cách dụng nhân của Phil Jackson hay nỗ lực vượt khó của Pippen là những câu chuyện thú vị, mang cho khán giả thêm cái nhìn đa chiều về những ngôi sao.

Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của "The Last Dance" đương nhiên vẫn tới từ nhân vật trung tâm: Michael Jordan - ngôi sao thể thao nổi tiếng bậc nhất hành tinh và góp phần nâng tầm giải NBA nói riêng và môn bóng rổ nói chung.

Chiến thắng là tất cả

Ở thời đỉnh cao thập niên 1990 - khi mạng xã hội chưa xuất hiện - Michael Jordan là đại sứ hình ảnh thể thao của Mỹ, “His Airness” với động tác bật nhảy trở thành thương hiệu cho dòng sneaker Air Jordan, người hùng “Super Mike” được các nhân vật hoạt hình cầu cứu chống lại quái vật vũ trụ trong phim hoạt hình “Space Jam”, hình mẫu cho những ngôi sao thể thao thế hệ sau về cách xây dựng thương hiệu cá nhân.

Ông có doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm từ tiền lương, quảng cáo và khiến người hâm mộ phát cuồng mỗi khi xuất hiện. Đó là cuộc sống tưởng như trong mơ, nhưng trong “The Last Dance”, Jordan đặt ngược lại vấn đề: “Nhiều người nói họ ước được làm Jordan trong một ngày hay một tuần, nhưng tôi không nghĩ họ hiểu việc đó không hề vui vẻ gì cả”.

the last dance anh 4

Michael Jordan là huyền thoại vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng rổ. Ảnh: Getty.

Đó dường như là nhận xét trái ngược với quảng cáo huyền thoại “Be Like Mike” (Trở nên giống như Mike) mà Jordan thủ vai chính. “The Last Dance” hé lộ vô vàn những lý do giải thích tại sao. Khi là Michael Jordan, bạn phải trải qua hàng nghìn giờ khổ luyện, chịu những chấn thương về mặt thể xác và luôn phải ra sân với mức kỳ vọng cao nhất. Khi hoàn thành trận đấu, hàng chục phóng viên với micro và hàng trăm người hâm mộ đã chờ sẵn, tất cả đều mong chờ được gặp gỡ Jordan.

Mọi chi tiết đời tư, chỉ của Jordan đều bị đem ra mổ xẻ. Với Jordan, cờ bạc có thể là thú vui nằm trong tầm kiểm soát nhưng trong mắt truyền thông, đó lại là thứ gây nghiện mà người ta có thể vin vào để buộc tội Jordan khi ông mất phong độ. Không chỉ phải thể hiện mình trên sân, Jordan còn bị kỳ vọng trở thành tấm gương sống.

Ông phải chịu bi kịch mất đi người cha yêu dấu James Jordan trong vụ giết người cướp của kinh hoàng năm 1993. Việc mất đi người cha luôn ủng hộ, sát cánh trong suốt sự nghiệp đã ảnh hưởng sâu sắc tới Jordan.

Ông cho biết mình không hề nuối tiếc khi tuyên bố giải nghệ lần đầu tiên, bởi “như vậy cha đã được xem trận bóng cuối cùng của tôi”. Sau đó, Jordan chọn tập luyện và chơi bóng chày trong màu áo đội Chicago White Sox, bởi bóng chày là môn thể thao đầu tiên mà cha dạy ông chơi.

the last dance anh 5

Michael Jordan từng có thời gian trở thành cầu thủ bóng chày. Ảnh: Getty.

Nhưng rốt cuộc, Jordan vẫn chưa hết duyên với môn bóng rổ. Tháng 3/1995, Jordan trở thành tâm điểm mọi tờ báo thể thao với tuyên bố trở lại Chicago Bulls. Thay vì soạn một thông cáo báo chí như người đại diện gợi ý, ông chỉ viết ngắn gọn: "I'm Back" (Tôi đã trở lại).

Jordan không thể đoạn tuyệt với môn bóng rổ, bởi khát khao chiến thắng luôn chảy cuồn cuộn trong huyết quản. Ngoài tài năng thiên bẩm, chính sự ám ảnh về chiến thắng - không chỉ trong bóng rổ mà cả ván bóng bàn, trận golf hay trò chơi cá cược với bạn bè - đã giúp Michael Jordan ghi danh vào lịch sử thể thao thế giới.

Những đồng đội, HLV cũ của Jordan thời trẻ đều thú thực họ không bao giờ nghĩ sau này ông sẽ vĩ đại đến thế. Sự hiếu thắng có thể khiến Michael Jordan trở thành hung thần với những cầu thủ trẻ hay những đồng đội yếu bóng vía, bởi ông luôn đòi hỏi cao từ những người xung quanh. "The Last Dance" ghi lại việc Jordan thừa nhận mình đã có xô xát, xích mích quá giới hạn với đồng đội Steve Kerr và phải xin lỗi.

Ông còn là người có tính thù dai, sẵn sàng ghim một lời mỉa mai từ cầu thủ trẻ khi anh ta còn là tân binh để tính sổ trên sân đấu nhiều năm sau. Khi Giám đốc Jerry Krause của Chicago Bulls nhắm cầu thủ Toni Kukoc của tuyển Croatia năm 1992, Jordan quyết tâm nhấn chìm anh khi Mỹ gặp Croatia tại Olympic cùng năm kể cả khi họ sắp trở thành đồng đội.

Khi Karl Malone nhận giải MVP 1996/97 (Cầu thủ hay nhất mùa NBA), Jordan cảm thấy "như được tiếp thêm ngọn lửa bên trong" để chứng minh cho cả thế giới thấy ai mới là MVP thực thụ. Khát khao chiến thắng khiến Jordan thực tế cách xa hình ảnh ngôi sao chơi bóng hay và thân thiện, nhưng nó biến ông thành một nhà vô địch.

Có thể "The Last Dance" hơi thiên vị Michael Jordan bởi ông là tâm điểm. Cách dẫn dắt, thể hiện một số nhân vật như Scottie Pippen khi đưa lên phim khiến chính Pippen cũng không hài lòng, dù ông trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi và được Jordan khẳng định là "cánh tay phải không thể thiếu".

Cựu đồng đội Horace Grant thậm chí còn lên ESPN khẳng định: "The Last Dance làm ra để phục vụ Jordan, bởi có rất nhiều thứ không chính xác như bị đồng đội chơi xấu".

the last dance anh 6

Michael Jordan giải nghệ trên đỉnh cao với chức vô địch NBA mùa giải 1997/98. Ảnh: Getty.

Về tổng thể, đây vẫn là loạt phim thể thao xuất sắc mang tính truyền cảm hứng cao. Những vận động viên chuyên nghiệp nhìn thấy chính mình trong hình ảnh Jordan đương đầu với áp lực, chấn thương hay trong những người hùng thầm lặng ít được để ý.

Những người tìm kiếm cảm hứng sẽ thấy adrenaline sôi sục khi thấy Jordan gánh team bất chấp vừa bị ngộ độc thức ăn, hay cố gắng mang về chiến thắng để tiếp thêm động lực cho người vệ sĩ thân tín mắc căn bệnh ung thư.

"Chiến thắng" là 2 chữ gắn liền với Michael Jordan, ngay cả khi ông đã giải nghệ. Jordan đã trở thành tỷ phú người Mỹ gốc Phi giàu thứ tư với tài sản 2,1 tỷ USD và là ông chủ đội Charlotte Hornets.

Ở cuối "The Last Dance", khi được hỏi liệu ông có hài lòng không khi kết thúc sự nghiệp tại Chicago Bulls với chức vô địch NBA thứ 6, câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ: "Tôi vẫn phát cáu về việc đội bóng tan rã. Bởi tôi thực sự tin chúng tôi có thể vô địch lần thứ 7. Có thể chúng tôi không vô địch, nhưng việc không được thử cố gắng là điều tôi không bao giờ có thể chấp nhận".

22 năm đã trôi qua, nhưng Michael Jordan vẫn tiếc nuối vì không có cơ hội cạnh tranh thêm một chức vô địch. Đó là lý do ông chứ không phải ai khác được làm nhân vật trung tâm của "The Last Dance".

Pha xử lý hay nhất sự nghiệp của vua bóng rổ Michael Jordan Michael Jordan tạo khoảnh khắc kinh điển khi "bẻ cổ chân" Bryon Russell và tung cú ném quyết định giúp Chicago Bulls đánh bại Utah Jazz, giành chức vô địch NBA 1998.

Chiếc áo của Michael Jordan được rao bán nửa triệu USD

Dù có mức giá khởi điểm 500.000 USD, chiếc áo đấu của huyền thoại bóng rổ Michael Jordan được dự đoán có thể chạm mốc một triệu USD.

'Cristiano Ronaldo là Michael Jordan của bóng đá'

Cựu danh thủ NBA, Steve Nash đã ví siêu sao người Bồ Đào Nha giống như huyền thoại bóng rổ Michael Jordan với rất nhiều điểm tương đồng.

Inter bi siet no hinh anh

Inter bị siết nợ

0

Tập đoàn Suning không thể trả khoản vay đúng thời hạn và nhà đương kim vô địch Serie A trở thành món tài sản bị siết.

Thịnh Joey

Bạn có thể quan tâm