Australia đang trải qua đợt tái bùng dịch nghiêm trọng, với nguyên nhân chính được cho là biến chủng Omicron. Số ca mắc Covid-19 ở Australia tăng vọt kể từ giữa tháng 12/2021. Hôm 13/1, nước này ghi nhận hơn 128.000 ca mắc mới.
Không chỉ tạo ra áp lực lớn lên nền y tế công ở Australia, đợt bùng dịch mới được cho là một phép thử về mặt chính trị ở Australia trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5.
Tính toán của ông Morrison
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi người dân nâng cao tinh thần “trách nhiệm cá nhân” để chủ động phòng dịch thay vì dựa vào “chính sách bắt buộc từ chính phủ”.
Báo Nikkei Asia cho rằng động thái nói trên thể hiện sự miễn cưỡng của ông Morrison trước phương án tái áp đặt lệnh giãn cách xã hội.
“Đại dịch tiếp tục tấn công chúng ta. Biến thể Omicron là thử thách mới nhất mà chúng ta phải đối mặt”, chính trị gia 53 tuổi phát biểu trong một thông điệp được phát đi nhân dịp Giáng sinh. “Nhưng nếu sát cánh cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn này”.
Từ giữa tháng 12/2021, phần lớn các ca mắc Covid-19 mới tại Australia tập trung ở hai bang đông dân là New South Wales và Victoria. Cho đến ngày 10/1, kênh 9 News cho biết hơn 80% số ca mắc Covid-19 ở Victoria được cho là dương tính với biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại biến chủng Omicron có thể gây ra đợt bùng phát nghiêm trọng hơn với số ca nhiễm tăng mạnh, bởi biến chủng này được cho là có khả năng phát tán nhanh.
“Omicron được dự đoán sẽ sớm trở thành chủng virus thống trị ở Australia”, Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe Australia cảnh báo hôm 22/12/2021. “Bên cạnh đó, biến chủng Delta vẫn đang lây lan mạnh trong cộng đồng”.
Biến chủng Omicron bắt đầu lây lan mạnh tại Australia từ giữa tháng 12/2021. Ảnh: Reuters. |
Các bang New South Wales và Victoria ngày 23/12/2021 đã tái áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong không gian kín.
Từ ngày 27/12/2021, các doanh nghiệp lưu trú ở New South Wales sẽ giới hạn số khách xuống còn một người/m2. Một số biện pháp phòng dịch gắt gao khác cũng được áp dụng, bao gồm yêu cầu quét mã QR đối với người tham dự sự kiện. Các hoạt động như khiêu vũ hay biểu diễn ca nhạc đều bị cấm.
Trong khi đó, Thủ tướng Morrison được cho là đang xem nhẹ mối nguy từ dịch bệnh khi so sánh các biện pháp phòng ngừa virus với cách người Australia bảo vệ bản thân khỏi bị cháy nắng.
“Dù có bắt buộc hay không thì việc đeo khẩu trang ở không gian công cộng tất nhiên là được khuyến khích”, ông Morrison nói hôm 23/12/2021. “Tương tự như việc mọi người đội mũ và thoa kem chống nắng khi bước vào mùa hè vậy”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison được cho là đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron. Ảnh: AAP Image. |
Sau nhiều tháng đóng cửa biên giới, vào ngày 15/12/2021, chính phủ Australia mở cửa trở lại cho người lao động và sinh viên nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, bất chấp mối đe dọa từ biến chủng Omicron.
Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy khối Liên đảng Australia (gồm đảng Tự do và đảng Quốc gia) của Thủ tướng Morrison nhiều khả năng sẽ thất bại trước đảng Lao động Australia vào cuộc bầu cử sắp tới. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy các toan tính về mặt chính trị.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Australia cũng đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác khi một loạt cuộc biểu tình bạo lực nổ ra ở Sydney và Melbourne để phản đối chính sách đóng cửa. Một bộ phận thiểu số khác kịch liệt lên án kế hoạch tiêm vaccine.
Alexandra Martiniuk, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Sydney, cho rằng thông điệp nâng cao “trách nhiệm cá nhân” trong chống dịch của chính quyền Morrison có thể hướng đến việc xoa dịu các nhóm chống vaccine và phản đối chính sách giãn cách xã hội.
“Đó là giả thuyết duy nhất mà tôi có”, giáo sư Martiniuk nói. “Chúng ta biết rằng bối cảnh trước thềm bầu cử ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định (của các quan chức)”.
Một bộ phận người dân Australia phản đối kịch liệt việc tiêm chủng và chính sách giãn cách xã hội. Ảnh: AP. |
Viễn cảnh tồi tệ
Australia hiện vẫn chống dịch tương đối tốt khi hạn chế số ca tử vong vì Covid-19 ở ngưỡng 2.500. Hơn 75% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vaccine và chiến dịch tiêm mũi tăng cường cũng đang được tiến hành, theo Nikkei Asia.
Tuy nhiên, những mô hình dự đoán được lập gần đây dấy lên cảnh bảo về viễn cảnh dịch bệnh lan rộng tại Australia. Truyền thông nước này cho rằng nếu chính phủ không hành động, số ca mắc mới mỗi ngày ở Australia có thể chạm mốc 200.000.
Mô hình dự đoán của Viện Doherty ước tính số người nhập viện điều trị Covid-19 có thể lên đến 4.000 ca mỗi ngày, đồng thời khoảng 8.000-10.000 bệnh nhân sẽ cần được chăm sóc đặc biệt.
Dẫu vậy, Thủ tướng Morrison trấn an báo chí trong nước rằng chính phủ sẽ không để viễn cảnh trên trở thành sự thật. “Mô hình dự đoán được xây dựng theo hướng rất khó xảy ra, trong trường hợp cực đoan giả định rằng không ai hành động gì để dập dịch, không ai được tiêm vaccine mũi tăng cường, không thay đổi gì và cũng không ai có ý thức chống dịch”.
Trong khi đó, giáo sư Martiniuk nhận định rằng các mô hình dự đoán nói trên “có độ tin cậy lên đến 95%”.
Dù chưa rơi vào tình huống xấu nhất, ngành y tế Australia đang phải đương đầu với một số thách thức nhất định. Cụ thể, hơn 1.400 nhân viên y tế ở New South Wales đã phơi nhiễm SARS-CoV-2. Điều này được cho là sẽ hệ thống y tế New South Wales vào tình trạng thiếu nhân lực.
Giáo sư Martiniuk dẫn ra ví dụ tương tự về việc một bệnh viện lớn ở Anh thiếu 40% nhân viên. “Chúng tôi cũng có thể rơi vào tình cảnh đó”, giáo sư Martiniuk nói.
Việc giải quyết những khó khăn nói trên trong vài tháng tới có thể tạo ra tác động đáng kể đối với triển vọng tái đắc cử của Thủ tướng Morrison, báo Nikkei Asia nhận định.