Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế khó của phương Tây trong cuộc đua bơm vũ khí cho Ukraine

Mỹ và NATO đang nỗ lực tìm các nguồn cung mới để bơm vũ khí kiểu cũ cho Ukraine, song họ đã vấp phải nhiều thách thức.

xung dot Nga va Ukraine anh 1

Nhiều quốc gia đang cam kết gửi thêm vũ khí và đạn dược cho Kyiv. Mỹ khẳng định sẽ gửi nhiều hệ thống phòng không hơn, trong khi Đức cho biết sẽ gửi các hệ thống phòng thủ tương tự “trong vài ngày tới”, theo New York Times.

Người đứng đầu NATO cũng tuyên bố ủng hộ Ukraine. NATO hôm 12/10 họp tại Brussels để thảo luận về việc chuyển giao thêm vũ khí cho Kyiv, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói, AFP đưa tin.

Tuy nhiên, tất cả hứa hẹn đó đều tồn tại một vấn đề. Kyiv cần thêm các loại vũ khí kiểu Nga mà quân đội của họ đã được huấn luyện để sử dụng, và nguồn cung của chúng trên toàn cầu đang cạn dần.

Nhà cung cấp tiềm năng

Để tìm được những vũ khí đáp ứng nhu cầu của Ukraine, Mỹ và các đồng minh khác đã tìm kiếm khắp thế giới. Họ đã đạt được một số bước tiến. Phần Lan đang gửi cho Ukraine một số vũ khí kiểu Liên Xô cũ. Trong khi đó, Hàn Quốc đang cung cấp áo chống đạn, mũ bảo hiểm, thiết bị y tế và các hỗ trợ quốc phòng khác.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã vận động nhiều quốc gia, vốn thể hiện sự ủng hộ song vẫn chưa sẵn lòng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Tiếp đến là Cyprus, quốc gia đã mang đến góc nhìn về những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về vũ khí dành cho Ukraine. Trong đó, quân đội Kyiv đang làm tiêu hao vũ khí nhanh hơn mức có thể được cung cấp.

xung dot Nga va Ukraine anh 2

Lính Ukraine bốc dỡ lô vũ khí được Mỹ chuyển giao. Ảnh: Reuters.

Cho đến tháng này, Cyprus đã chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ trong 35 năm. Lệnh đó được áp đặt nhằm xoa dịu căng thẳng trong cuộc xung đột của đảo quốc này với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai thành viên NATO.

Vào thời điểm đó, Cyprus đã tìm đến Liên Xô và sau đó là Nga để mua bán khí tài. Ngày nay, kho dự trữ của họ, gồm ít nhất 10 hệ thống tên lửa Tor và Buk, có thể giúp ích cho Ukraine trong giao tranh.

Tuy nhiên, chính phủ Cyprus khẳng định rõ rằng họ muốn những khí tài thay thế phải mới và tốt hơn. Động thái này có thể vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang trong cuộc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.

Mặc dù vậy, vào ngày 1/10, chính quyền ông Biden đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận, cho phép Cyprus mua vũ khí của Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Cyprus hiện là "một lựa chọn tiềm năng" để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Cyprus sẽ sẵn sàng xem xét việc chuyển giao một số vũ khí và đạn dược cho Ukraine nếu chúng được ‘thay thế bằng khí tài có sức mạnh và khả năng tương đương’”, Marios Pelekanos, phát ngôn viên chính phủ Cyprus, cho biết.

Thách thức của phương Tây

Hôm 10/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đồng minh tăng tốc gửi những hệ thống phòng không. Các quốc gia Đông Âu đã tích cực gửi các khí tài theo tiêu chuẩn của Nga tới Ukraine từ tháng 2.

Theo dữ liệu mới nhất, Ba Lan là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ tư cho Ukraine, sau Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, giống nhiều quốc gia Đông Âu khác, đối với Ba Lan, việc cung cấp vũ khí của họ có thể tạo ra rủi ro đối với khả năng phòng thủ, một quan chức quốc phòng Ba Lan cho biết.

Các cuộc đàm phán giữa đồng minh để chia sẻ phụ tùng, đạn dược và nhiều khí tài khác, cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất quốc phòng tăng cường sản xuất, đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, việc hoàn thành các hợp đồng vũ khí có thể mất vài tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm.

xung dot Nga va Ukraine anh 3

Một khẩu súng trường kiểu Kalashnikov trong chiến hào ở Kherson vào tháng trước. Ảnh: New York Times.

Một kế hoạch chi tiết có thể giúp Ukraine nhận nhiều vũ khí hơn đã được đưa ra vào tháng 7 bởi một hội đồng cố vấn ở Washington. Nó xác định 23 quốc gia không thuộc NATO và có kho dự trữ gồm hơn 6.300 hệ thống vũ khí, đạn dược theo tiêu chuẩn Nga, Liên Xô cũ. Cyprus đã nổi bật trong danh sách các nhà cung cấp tiềm năng đó.

"Với pháo phản lực, tên lửa đất đối không, trực thăng, xe tăng và xe bọc thép do Nga sản xuất, Cyprus nắm giữ các hệ thống mà Ukraine cần để hỗ trợ lực lượng phản công của họ”, Bradley Bowman, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, cho biết.

Ông Bowman nhận định trước khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, mặc dù đã có các cuộc thảo luận, họ không thể nghiêm túc xem xét việc thay thế những vũ khí có nguồn gốc từ Nga, mà Cyprus có thể cung cấp cho Ukraine, bằng các hệ thống của Mỹ. “Nhưng bây giờ chúng tôi có thể", ông Bowman nói.

Giới chức Cyprus ca ngợi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường quan hệ với NATO và củng cố an ninh ở phía đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, họ cho biết điều đó không có nghĩa là Cyprus đã sẵn sàng gửi vũ khí kiểu Nga cho Ukraine.

“Do các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng gây ra hàng ngày bởi lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, cấu ​​trúc an ninh hiện tại của Cyprus nên được giữ nguyên vẹn”, ông Pelekanos nói.

Thừa nhận “những lo ngại về an ninh chính đáng của nước này”, ông Bowman cho biết việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cũng sẽ cho phép các quốc gia phương Tây khác nhanh chóng chuyển vũ khí do Mỹ sản xuất sang Cyprus mà không cần sự chấp thuận trước của Washington.

Cuối cùng, Cyprus được cho sẽ dần thay thế các vũ khí hiện tại của mình bằng hệ thống tương thích với NATO. Tuy nhiên, các nhà thầu quốc phòng ở Mỹ và châu Âu đang phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu sản xuất vũ khí - một quá trình có thể mất nhiều năm.

Trong khi đó, quan chức Mỹ cho biết lực lượng Ukraine cần vũ khí “ngay bây giờ, hơn bao giờ hết”.

Đối với vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố Mỹ và đồng minh đã đến gần “lằn ranh đỏ”, Sputnik đưa tin ngày 11/10.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đồng minh không vượt qua ‘lằn ranh đỏ’, điều mà họ đã đến gần. Hãy dừng bơm vũ khí sát thương cho chính quyền Kyiv”, ông Antonov tuyên bố, theo bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của Đại sứ quán Nga tại Mỹ.

Khoảnh khắc bồn chứa nhiên liệu bùng cháy dữ dội trên cầu Crimea Nhiều người đăng tải video ghi lại cảnh bồn chứa nhiên liệu cháy dữ dội trên cầu Kerch nối Crimea với mạng lưới giao thông nước Nga hôm 8/10.

NATO: Chúng tôi đang giám sát chặt lực lượng hạt nhân của Nga

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 11/10 kêu gọi các đồng minh tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không tinh vi.

Nga đưa Meta vào danh sách tổ chức khủng bố

Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính liên bang Nga hôm 11/10 cho biết đã đưa Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, vào danh sách tổ chức khủng bố, Sputnik đưa tin.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm