Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế khó của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Việc Đức phụ thuộc vào dòng khí đốt của Nga khiến châu Âu không có nhiều lựa chọn để trừng phạt Moscow trong trường hợp nước này đổ bộ vào Ukraine.

khung hoang bien gioi ukraine anh 1

Cuối cùng, sau hai thập niên, Đức quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân và hạn chế phụ thuộc vào than để giảm lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa Đức hiện dựa nhiều hơn vào khí đốt từ Nga so với các nước láng giềng, không chỉ để sưởi ấm mà còn để phát điện.

Trong năm nay, ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức sẽ đóng cửa. Berlin sẽ phải đối mặt với một số mức giá năng lượng cao nhất trong các nước phát triển. Tất cả nhà máy than của Đức dự kiến đóng cửa vào năm 2038.

Với nguồn khí giá rẻ chảy từ Nga trong nhiều thập niên, chính phủ của Đức chưa bao giờ xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền từ các nhà xuất khẩu lớn như Mỹ hoặc Qatar. Nước này hiện không có kho LNG của riêng mình.

Những yếu tố này đưa Đức trở thành khách hàng lớn nhất trên thế giới mua khí đốt từ Nga. Đức thu hút hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga so với mức trung bình khoảng 40% của Liên minh châu Âu (EU), theo cơ quan thống kê Eurostat của EU.

Việc loại bỏ hạt nhân và than đá có nghĩa là tỷ trọng này có thể sẽ tăng lên. Song song với đường ống Nord Stream 1, Nord Stream 2 - đường ống dẫn dầu hoàn thành vào năm ngoái và hiện chờ các cơ quan quản lý phê duyệt chính thức - sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức.

Do đó, lựa chọn trừng phạt của phương Tây với Nga về vấn đề Ukraine sẽ bị hạn chế bởi Moscow có thể đáp trả bằng cách cắt giảm xuất khẩu sang Đức, theo Wall Street Journal.

“Quyết định loại bỏ hạt nhân và than đá cùng lúc đã khiến Đức hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Điều này khiến Đức dễ bị tổn thương khi Nga có thể sử dụng năng lượng làm vũ khí", Gustav Gressel - thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu - cho biết.

Không còn là nhà cung cấp đáng tin cậy

Các quan chức trong chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz - thành viên đảng Dân chủ Xã hội, đảng theo truyền thống sẽ ủng hộ mối quan hệ thân thiết với Nga - nói rằng họ sẽ tạm hoãn Nord Stream 2 trong trường hợp Nga "gây hấn".

Ngoài mặt, ông Scholz không đưa ra bất kỳ cam kết nào tương tự mặc dù đã liên tục thúc giục Washington và các đồng minh khác hành động. Thủ tướng lặp lại lời nói của người tiền nhiệm Angela Merkel - người chủ trì việc xây dựng Nord Stream 2 - khi phát biểu rằng đường ống này là một dự án tư nhân hoàn toàn và phải tách biệt khỏi các cuộc thảo luận chính trị.

Theo cựu cố vấn an ninh của thủ tướng Erich Vad, trong khi Điện Kremlin gần đây cắt giảm nguồn cung khí đốt trong các giao dịch với Đông Âu để gây áp lực chính trị, Nga chưa từng làm như vậy với Đức. Ông nói điều đó đã định hình quan điểm tích cực của Đức về Nga như một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

khung hoang bien gioi ukraine anh 2

Một đoạn đường ống Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Đầu tháng một, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Nga - quốc gia chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu và Gazprom, nhà xuất khẩu khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Nga - đã giảm xuất khẩu sang châu Âu trong quý IV vào thời điểm giá tăng cao. Điện Kremlin phủ nhận việc sử dụng khí đốt làm vũ khí địa chính trị và nói rằng họ đang thực hiện mọi nghĩa vụ theo hợp đồng.

Phần lớn chuyến hàng khí đốt của Nga đến châu Âu được chuyển qua các đường ống đi qua Ukraine, một vài trong số này có từ thời Liên Xô. Ông Gressel nói khả năng thay thế chúng bằng việc xuất khẩu khí đốt trực tiếp sang Đức có thể cho phép Nga tiến hành chiến tranh với Ukraine mà không phải lo lắng về các vấn đề vận chuyển.

"Chúng tôi đã cảnh báo về viễn cảnh này trong nhiều năm, và giờ nó đang xảy ra", ông Gressel nói. "Toàn bộ trật tự an ninh của châu Âu đang bị đe dọa, và Đức cần phải sẵn sàng trả giá để bảo vệ nó".

Gazprom kiểm soát một số cơ sở lưu trữ khí đốt rải rác trên khắp nước Đức. Đây là một trong những cơ sở lớn nhất châu Âu. Điều đó cho phép Moscow tiếp cận một hệ thống dự phòng quan trọng trong trường hợp nhu cầu đạt đỉnh và nguồn cung tắc nghẽn.

"Nếu Nga tấn công quân sự, điều này sẽ thể hiện mức độ chúng ta phụ thuộc vào khí đốt của Nga và khả năng dễ bị tổn thương khi khí đốt được sử dụng như vũ khí chính trị", Constanze Stelzenmüller, thành viên cấp cao của Viện Brookings, cho biết.

Bài toán năng lượng nan giải

Giá năng lượng của Đức tăng vọt do tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu. Báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang hôm 19/1 cho biết giá tăng 69% trong tháng 12/2021 so với cùng tháng năm ngoái. Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy các công ty năng lượng Đức chạy đua để đảm bảo hàng tỷ euro tiền quỹ nhằm chống lại giá năng lượng tăng cao.

Đức đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo, nhưng quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch diễn ra chậm chạp và không đồng đều. Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức. Con số này sẽ tăng lên khi nước này đóng cửa thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân và than đá. Theo Cơ quan Môi trường Liên bang, việc sử dụng khí đốt tự nhiên để phát điện vào năm 2021 đã cao hơn so với năm 1990.

Markus Krebber, Giám đốc điều hành của công ty tiện ích RWE AG, cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh năng lượng Handelsblatt trong tháng này: “Không thể thay thế khí đốt từ Nga trong thời gian ngắn hạn".

khung hoang bien gioi ukraine anh 3

Đức đang đối mặt với bài toán nan giải về năng lượng. Ảnh: TASS.

Ngay cả cơ sở hạ tầng năng lượng của Đức cũng hướng đến việc xuất khẩu của Nga. Vào năm 2018, chính phủ của bà Merkel đồng ý hỗ trợ xây dựng ít nhất một kho LNG lớn trên bờ Biển Bắc, sau áp lực từ cựu Tổng thống Donald Trump - người đe dọa Berlin bằng các lệnh trừng phạt làm tê liệt Nord Stream 2.

Chính phủ của bà Merkel cam kết trợ cấp cho dự án và soạn thảo luật để buộc các công ty cơ sở hạ tầng khí đốt xây dựng những đầu nối với nhà ga trong tương lai. Nhưng toàn bộ nỗ lực sau đó đã bị lãng quên khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Trong khi đó, nhập khẩu khí đốt từ Hà Lan tiếp tục giảm do lo ngại động đất từ hoạt động khoan khai thác sản xuất.

Trong nghiên cứu năm 2015 do Bộ Kinh tế Đức ủy quyền mô phỏng việc Nga đột ngột ngừng cung cấp khí đốt, các tác giả nhận thấy cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức sẽ phải đầy ít nhất 60% để đáp ứng đủ nhu cầu.

Vào tuần trước, khi tiết trời ấm áp kéo dài thêm nhiều tháng nữa, các bồn chứa đầy khoảng 44%, theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe - hiệp hội đại diện cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu.

Do đó, Đức đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải về năng lượng, bà Stelzenmüller nói, vì nước này cần phải cân bằng các yếu tố môi trường, tác động xã hội và an ninh.

"Chúng tôi đã đánh giá quá thấp phần an ninh", bà Stelzenmüller nói. “Nhiều nhà hoạch định chính sách Đức muốn tin rằng người Nga là những nhà cung cấp đáng tin cậy mà họ đã có trong nhiều thập niên. Nhưng bây giờ, thật không may, có rất nhiều bằng chứng cho điều ngược lại".

Đằng sau cáo buộc Nga muốn thay đổi chính quyền ở Ukraine

Việc Anh cáo buộc Điện Kremlin âm mưu can thiệp thay đổi chính quyền tại Kyiv cho thấy ý định của giới chức London đóng vai trò cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu với Nga ở Ukraine.

Mỹ, Anh cảnh báo Nga sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm khắc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nếu "lực lượng tăng cường của Nga" ồ ạt tiến vào Ukraine, Washington và các đồng minh sẽ có phản ứng "quyết liệt".

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm