“Giao quyền tối đa cho TP Thủ Đức” là thông điệp được lãnh đạo TP.HCM cả 2 nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 nhiều lần nhấn mạnh. Lẽ ra, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó, trong quý I/2021, TP.HCM phải hoàn thành nghiên cứu và triển khai các nội dung phân cấp cho TP Thủ Đức. Thế nhưng, đến giờ, người dân vẫn mong chờ những đổi thay lớn của Thủ Đức, còn thành phố mới này lại đang chờ cơ chế từ TP.HCM.
Thực tế, sau một năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn chỉ có hành lang pháp lý tương đương cấp huyện và hoạt động theo cơ chế của một “siêu quận”, trong khi mang hình hài của một “thành phố trong thành phố” đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với thực hiện hóa quy hoạch, vấn đề cấp bách nhất hiện nay của thành phố mới này là cần có một cơ chế đặc thù xứng tầm với tiềm năng và những kỳ vọng đang phải gánh vác.
Cơ chế chưa tương xứng
Sau sáp nhập, TP Thủ Đức trở thành đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, chiếm 10% diện tích TP.HCM và có dân số lớn hơn 21 địa phương trên cả nước (trên 1,2 triệu dân).
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, nhìn nhận khi thành lập, rất nhiều kỳ vọng đặt lên vai của thành phố mới này: Trở thành trung tâm hạt nhân để phát triển kinh tế tri thức; trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm thương mại dịch vụ kết nối vùng; nơi “đất lành chim đậu” để thu hút dân cư...
Đặc biệt, nơi đây mang sứ mệnh trở thành thành phố kiểu mẫu cho cả nước trong triển khai ứng dụng công nghệ 4.0, nơi có thể đóng góp 30% GRDP của TP.HCM và 6% GDP của Việt Nam.
TP Thủ Đức hiện vẫn chưa có thẩm quyền quyết định đầu tư nhiều dự án quan trọng trên địa bàn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thế nhưng, trái với kỳ vọng lớn lao đó, cơ chế cho đô thị mới này gần như không có gì mới một năm qua. Nghị quyết về phân cấp TP.HCM cho TP Thủ Đức vẫn đang chờ ngày ban hành; đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức đang hoàn thiện, phấn đấu trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết hiện đô thị triệu dân này chưa có hành lang pháp lý gì ngoài Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong đó lại chưa có cấu trúc pháp lý cho thành phố thuộc thành phố; còn thành phố thuộc tỉnh thì vẫn là chính quyền tương đương cấp huyện.
Điểm tích cực là trong tài khóa vừa rồi, nguồn vốn của TP.HCM được tập trung cho các dự án lớn khu vực phía đông - TP Thủ Đức. “Trong vòng 5 năm sẽ có đường cao tốc, cuối năm 2023 dự kiến có tuyến metro, rồi nút giao An Phú với quy mô hơn 4.000 tỷ đồng cũng vừa được HĐND thông qua chủ trương đầu tư”, Chủ tịch Hoàng Tùng dẫn chứng.
Cần vị thế pháp lý phù hợp
Nói về những rào cản của TP Thủ Đức hiện nay, bà Đinh Thị Trang (giảng viên Khoa Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM) chỉ ra rằng về vị thế và địa vị pháp lý, TP Thủ Đức hiện không có chức năng hoạch định chính sách phát triển vĩ mô như quy hoạch không gian, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng trên địa bàn như nhân sự, thuế, phí, giao thông… hay ký kết các chương trình hợp tác đầu tư lớn.
TP Thủ Đức hiện đứng thứ nhất trong 22 địa phương về tổng vốn đầu tư trực tiếp tại TP.HCM, chiếm 10,2% tổng số dự án giai đoạn 2015-2021.
Tuy nhiên, thẩm quyền quản lý Nhà nước về đầu tư trên địa bàn này lại đang thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghệ cao, và Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM. TP Thủ Đức không có thẩm quyền trong quản lý về đầu tư gây khó khăn, thiếu thống nhất trong thu hút vốn từ khối tư nhân trong và ngoài nước để trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM.
Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài của TP.HCM | |||
Thời gian: Từ 1/7/2015 đến 20/10/2021 | |||
Nhãn | TP Thủ Đức | 21 địa phương còn lại | |
Tỷ USD | 4.8 | 7.46 |
Cơ chế tài chính là điểm nghẽn thứ hai được bà Trang chỉ ra. TP Thủ Đức hiện không có gói ngân sách được phân bổ từ Quốc hội mà nằm chung trong gói ngân sách của TP.HCM. Do đó, chỉ tiêu ngân sách hàng năm sẽ do HĐND TP.HCM phân bổ.
Trong năm qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Thủ Đức là 10.350 tỷ đồng (đạt 124% so chỉ tiêu). Thế nhưng, nguồn thu được để lại cho địa phương cân đối 100% chỉ chiếm khoảng 5%. Các nguồn thu chiếm tỷ lệ cao lại không thuộc thẩm quyền của địa phương như thuế xuất nhập khẩu, hoạt động cảng biển.
Cơ chế ưu tiên nhất mà TP.HCM đang cấp cho đô thị mới này là cho phép TP Thủ Đức giữ lại toàn bộ khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và TP.HCM với tỷ lệ Trung ương 82% - TP Thủ Đức 18%.
Thêm cơ chế đặc thù thì cần thêm cơ chế kiểm tra, giám sát để không tạo không gian cho tham nhũng.
Bà Đinh Thị Trang
Bà Trang cho rằng cần thiết phải nâng tỷ lệ phân bổ lên mức cao hơn, có thể là 50%, và thêm cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho Thủ Đức. “Tỷ lệ 18% ngân sách như hiện nay là khó để đột phá, trở thành trụ cột hay động lực phát triển như kỳ vọng”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Sự hạn chế về nguồn lực này khiến TP Thủ Đức khó chủ động trong sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tính hấp dẫn cũng như tốc độ phát triển chung của TP Thủ Đức.
Một vấn đề khác được bà Trang nêu ra là khi phân cho TP Thủ Đức thêm nhiều cơ chế đặc thù thì TP.HCM cần xây dựng thêm cả cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo không tạo ra không gian cho tham nhũng. Bên cạnh sự giám sát của HĐND, các cơ chế đấu thầu cạnh tranh hoặc thẩm định dự án đầu tư cần minh bạch, công khai; có hội đồng thẩm định đầu tư độc lập với dự án trọng điểm.
3 hướng đi
Đề xuất cơ chế nào cho TP Thủ Đức là vấn đề mà Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu trăn trở nhiều tháng qua. Ông chia sẻ 3 hướng đi mà TP Thủ Đức đang tư duy để đề xuất cơ chế với Trung ương.
Hướng thứ nhất là “lấy cái đang có để vận hành và áp dụng”. Nếu TP Thủ Đức đủ dư địa, không gian, dân số, đủ tính chất hoạt động kinh tế - xã hội, đủ các thành phần để hoạt động như mô hình chính quyền, bộ máy, chế độ, chính sách, thẩm quyền của cấp tỉnh thì vận hành. Vấn đề là Trung ương và TP.HCM có đồng thuận và mạnh dạn giao thẩm quyền hay không.
Hướng thứ hai là nghiên cứu thẩm quyền đặc thù cho một đặc khu.
Hướng thứ ba là nghiên cứu đề xuất thẩm quyền mới. Ông nhận định TP Thủ Đức có thể phối hợp với các địa phương muốn thực hiện mô hình thành phố trong thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng để cùng tìm lối đi, đưa ra đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức. Ảnh: Chí Hùng. |
“Chúng tôi muốn đề xuất mô hình như cấp tỉnh để vận hành, nhưng như thế thì có sự khó khăn với cấp thẩm quyền cao hơn đang quản lý trực tiếp. Nếu cho TP Thủ Đức thẩm quyền như cấp tỉnh với nhiều quyền tự chủ thì sẽ bớt thẩm quyền của TP.HCM”, ông Hiếu phân tích.
Chúng tôi muốn đề xuất mô hình như cấp tỉnh để vận hành.
Bí thư TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu
Suy nghĩ sâu hơn về giải pháp này, Bí thư TP Thủ Đức cho rằng TP.HCM sẽ không có gì mất đi vì toàn bộ sẽ phục vụ cho sự phát triển của thành phố lớn.
TP.HCM vẫn có thể quản lý TP Thủ Đức về nguồn tài chính và đội ngũ cán bộ chủ chốt. Cụ thể là bổ nhiệm, quản lý trực tiếp, lãnh đạo toàn diện thông qua đội ngũ cán bộ chủ chốt; còn thẩm quyền quản lý, lãnh đạo, điều hành giao cho cấp dưới theo đúng xu thế. Cùng với đó là kiểm soát định chế về tài khóa, tài chính cho chu kỳ phát triển 5-10 năm nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ của một địa phương.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, nhìn nhận cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để biến tiềm năng thành cơ hội thực.
“TP Thủ Đức nên có cơ chế đặc thù mang tính chất thí điểm cho một đô thị loại một trong một đô thị đặc biệt (TP.HCM). Quyền lợi phải tương đương với tỉnh, thành, nhưng phải xác định đây là thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và không thể vượt qua giới hạn này”, ông đưa ra quan điểm.
8 nhóm đề xuất phân cấp cho TP Thủ Đức
Trong khung dự thảo đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đưa ra 8 nhóm đề xuất, gồm:
- Tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua phân cấp, ủy quyền từ TP.HCM cho TP Thủ Đức.
- Gỡ bỏ điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực tại TP Thủ Đức.
- Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP Thủ Đức; dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TP.HCM tại TP Thủ Đức.
- Đấu thầu đất công, cung cấp dịch vụ công.
- Cơ chế tiếp nhận khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng.
- Tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp.
- Thẩm quyền về bộ máy quản lý Nhà nước và chính sách nhân sự.