Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thể hiện tình yêu một cách đúng đắn

Bày tỏ tình cảm với ai đó, để họ biết rằng mình đang được yêu là cả một nghệ thuật. Sự chân thành và đúng mực của bạn là thứ giúp ghi điểm trong mắt đối phương.

Bay to tinh cam anh 1

Yêu và được đối phương đáp lại là một hạnh phúc. Ảnh: AIA.

Khi bạn có tình cảm với một người khác giới, trong đầu bạn sẽ tràn ngập hình ảnh về người đó. Dù ngủ hay thức bạn cũng chỉ toàn nghĩ về người đó, bạn hoàn toàn không bận tâm đến những việc khác.

“Không biết mình sẽ hạnh phúc thế nào nếu anh ấy/cô ấy trở thành người yêu của mình nhỉ? Nếu ngày nào cũng được ở bên nhau, mình muốn cùng anh ấy/cô ấy làm việc này và cả việc kia nữa.” Bạn luôn mơ mộng về những điều đẹp đẽ ấy.

Chỉ riêng việc mơ mộng đó đã là một điều hạnh phúc. Bởi nếu yêu ai đó, việc bạn muốn ở bên cạnh họ thật lâu, muốn được làm tất cả mọi thứ cùng nhau là điều đương nhiên.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa “chiều ngược lại cũng đúng” [1].

Vì trong đầu bạn lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh về đối phương nên bạn cho rằng đó là một tình yêu thuần khiết. Chính vào lúc bạn nghĩ như vậy, trong tâm trí bạn sẽ xuất hiện một cái hố lớn.

Việc lúc nào cũng nghĩ tới đối phương và mơ mộng “nếu người đó cũng yêu mình, mình sẽ hạnh phúc đến mức nào nhỉ” chỉ đơn giản là mong muốn của bản thân bạn. Đó không phải là sự vĩ đại gì của tình yêu mà chỉ là mong muốn được yêu thương nhiều đến mức nào.

Ai cũng mong muốn nhận được tình yêu thương. Đến cả đứa trẻ mới chập chững bước đi cũng đã biết yêu cầu tình yêu từ bố mẹ.

Chỉ với lý do đó thôi đã đủ để bạn đừng bao giờ nên nói những lời ban ơn kiểu như: “Tôi đã yêu em/ anh nhiều đến vậy cơ mà.”

Những người có kiểu tính cách “Shuuchaku Seikaku” [2] thường sẽ bị người khác né tránh vì sự áp đặt họ dành cho đối phương. Thế nhưng họ thậm chí còn chỉ trích ngược lại đối phương: “Tại sao anh/em lại không hiểu cho suy nghĩ của em/anh.”

Họ ôm lấy nỗi sợ và luôn cho rằng: “Dù tôi có yêu người khác đến đâu, họ vẫn sẽ cự tuyệt tôi. Chỉ có tôi là người phải chịu tổn thương.” Rồi dần dần, họ sẽ càng căm ghét bản thân hơn.

Tuy nhiên, hãy dừng lại ở đó và thử suy nghĩ theo cách khác.

Bạn tuyệt đối không được hiểu lầm tình yêu có nghĩa là lúc nào cũng phải ở bên cạnh đối phương.

Người có tính cách Shuuchaku Seikaku trở thành những kẻ đeo bám và luôn cho rằng: “Tình cảm của tôi thuần túy là hết dạ hết lòng.” Họ có thể sẽ phải chuốc lấy những kết cục không hay.

Việc lúc nào cũng nghĩ đến hình bóng của người kia trong đầu không phải là biểu hiện của tình yêu cuồng nhiệt. Những người như thế sẽ yêu cầu đối phương lúc nào cũng phải nghĩ về mình. Nhưng thực sự, yêu cầu qua lại vô nghĩa đó sẽ chỉ khiến cả hai hao tổn tinh thần vô ích.

Tình yêu là thứ cần có sự nỗ lực về mặt tinh thần nhiều hơn nữa.

Cho dù bạn có nói rằng tôi đã rất cố gắng, nhưng sự cố gắng đó không phải là vì đối phương. Cố gắng nghĩa là phải hiểu tính cách của người kia, tưởng tượng xem đối phương đang suy nghĩ điều gì, làm thế nào để họ thấy vui. Hãy suy nghĩ xem bạn cần làm gì để người ấy cảm thấy hạnh phúc.

Bạn không cần phải ép mình làm điều đó. Hãy thử đặt mình vào vị trí của đối phương và nghĩ đến cảm xúc của họ, đồng thời tìm ra câu trả lời.

Có rất nhiều người trẻ không biết phải làm gì ngoài việc lo lắng, bận tâm xem đối phương nghĩ như thế nào về mình. Đó là bởi vì họ chỉ luôn nghĩ đến mình mà không đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương. Lúc nào họ cũng áp đặt rằng: “Tôi muốn anh phải hiểu cảm xúc của tôi,” và lúc nào cũng lo lắng, chẳng bao giờ muốn cố gắng quan tâm đến đối phương một cách thật sự.

Khi chúng ta không đặt mình vào người khác và suy nghĩ thì chắc chắn chúng ta sẽ chẳng thể hiểu được cảm xúc của họ.

Nếu bỗng có người xuất hiện trước mặt bạn và nói những lời thật lòng rằng: “Anh/em yêu em/anh” thì bạn cũng sẽ không tin. Bạn sẽ luôn lo lắng suy nghĩ rằng: “Rồi đến một lúc nào đó, có lẽ mình sẽ lại bị ghét thôi.”

Người có tính cách “Shuuchaku Seikaku” thường luôn yêu cầu một kết quả bất biến tuyệt đối. Nếu không có cảm giác an tâm hoàn toàn, họ sẽ không bao giờ sẵn sàng bắt đầu cho một mối quan hệ tình cảm mới.

Trong tình yêu, người ta thường hay nhắc tới cụm từ “thề nguyện tình yêu vĩnh cửu”. Đó là một cụm từ đẹp nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu ngay từ đầu chúng ta đã trói buộc bản thân mình vào một thứ mang tính hình thức như vậy.

Khi còn chưa hiểu rõ đối phương, việc thề nguyện chắc chắn là điều không thể. Bắt đầu một tình yêu thì đơn giản, nhưng “tiếp lửa” cho nó mới là chuyện khó.

Nếu bạn thấy thích một ai đó, trước hết hãy thể hiện cho họ biết cảm xúc của mình một cách rõ ràng nhất: Khi ở bên cạnh bạn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Bất cứ ai khi nhận được tình cảm từ người khác cũng đều thấy vui vẻ. Niềm hạnh phúc ấy sẽ giúp bạn hạnh phúc và tràn đầy tự tin. Còn nếu bạn là người vội vàng hấp tấp, hãy cố gắng yêu cầu một kết quả tốt hơn thế, nếu không nó sẽ khiến bạn thất bại.

Chúng ta không cần thiết phải làm rõ xem đối phương đang thích hay ghét mình. Bạn sẽ cảm thấy vui hơn nếu hướng tâm chí của mình đến việc: “Tôi sẽ cố gắng từng chút một để mối quan hệ giữa tôi và cô ấy/anh ấy trở nên sâu đậm hơn.” Bạn sẽ không có cách nào để nuôi dưỡng tình yêu ngoài việc bền bỉ tích góp từng chút một những điều “có thể làm”.

[1] Nếu có A thì sẽ có B, nhưng việc này không có nghĩa ngược lại: nếu có B thì cũng có A. (Theo người dịch)

[2] Kiểu tính cách này đã được Mitsuzo Shimoda đề cập tới vào năm 1929 và được chấp nhận rộng rãi như một tính cách tiền đề của căn bệnh trầm cảm rối loạn thần kinh. Nghiên cứu của Mitsuzo Shimoda đã chỉ ra đây là một tính cách phức tạp, được chia thành ba nhóm yếu tố gồm: a) đơn giản và trung thực, rụt rè và tha thiết; b) dễ cáu giận, dễ gây gổ; c) hăng hái, cuồng si. (Theo người dịch)

Masahiro Takata/ Best Books & NXB Công thương

Bình luận

SÁCH HAY