Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ trẻ Ba Chúc lớn lên với hộp sọ, khói nhang và vết máu trên nhà

40 năm đã trôi qua trên mảnh đất Ba Chúc, An Giang, nhưng những nỗi đau của cuộc thảm sát dường như vẫn còn nguyên vẹn nơi đây, trong từng mái nhà.

Tháng 4/1978, Khmer Đỏ bất ngờ tràn sang biên giới, tấn công vào xã Ba Chúc thuộc huyện Bảy Núi của tỉnh An Giang. Chỉ trong 12 ngày đêm chiếm đóng, chúng thực hiện hàng loạt các cuộc thảm sát và phá hủy, “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”.

Ba Chúc ngập trong tang thương sau cuộc tàn sát

Một số người dân may mắn thoát chết trở về sau cuộc phản công của quân dân ta kể lại: “Một cây non cũng bị bứt nhổ, một cái lu vỡ cũng bị đập nát”. Mọi cơ sở vật chất gần như bị san bằng, Ba Chúc chìm trong tang thương và đầy rẫy mùi tử khí.

Năm sau đó, nước lũ tràn về gây ngập trắng hết những cánh đồng, kể cả những bãi xác người; kéo theo tình trạng dịch bệnh liên miên diễn ra khắp nơi. Suốt gần mười năm sau đó, Ba Chúc vẫn là miền đất đói, trẻ em nhiều năm không được đi học. Ba Chúc thoi thóp như một vùng đất chết!

Ba Chuc hoi sinh sau 40 nam chiu tham sat anh 1
Ngày nay, nhà tưởng niệm Ba Chúc được xây dựng, nhiều người tới tưởng niệm nạn nhân bị tàn sát trong vụ thảm sát. Ảnh: Lê Quang Trạng.

Đã 40 năm trôi qua, từ miền đất đau thương với bàn tay trắng, Ba Chúc đã vươn mình đứng dậy bằng sức sống mãnh liệt như cây dầu cổ thụ của làng.

Người dân lần lượt trở về, thu gom xác chết, xử lý môi trường và bắt đầu canh tác trở lại. Nếu như năm 1980, toàn xã chỉ canh tác được gần 100 ha, thu hoạch gần 300 tấn lương thực thì đến nay tổng diện tích được gieo trồng của thị trấn đã đạt gần 1.500 ha, đạt tổng sản lượng trên 4.600 tấn/vụ.

Thế hệ những đứa trẻ năm xưa không được đi học, nay đã làm cha làm mẹ; nhìn con cháu mình được đến lớp, trường học ngày một khang trang, không khỏi bồi hồi, mừng vui. Hệ thống trường học từ mầm non đến THPT ở Ba Chúc đã được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang.

Lớp người trẻ ra đời trong sự bình yên, được ấm no, đến trường học tập và vươn xa đã và đang đưa Ba Chúc ngày một vươn lên, không còn là một vùng đất chết, một xã miền núi khó khăn mà đã trở thành một thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn.

Chợ Ba Chúc, nơi quân Khmer đỏ nhắm vào và tàn phá tan hoang trong đợt tấn công năm 1978, nay đã được xây cất mới. Cùng với sự hồi sinh và phát triển của những làng nghề, chợ Ba Chúc cũng sung túc hơn, không chỉ là trung tâm mua bán của thị trấn mà còn cho nhiều xã lân cận.


Ba Chuc hoi sinh sau 40 nam chiu tham sat anh 2
Thị trấn Ba Chúc hôm nay. Ảnh: baoangiang.

Nhà mồ Ba Chúc, nơi cất giữ 1.159 bộ hài cốt của những người dân vô tội, bị Khmer Đỏ tàn sát, nay đã được xây cất mới theo hình bông sen trắng vươn lên trời cao. Hàng ngày, có hàng ngàn người dân từ khắp nơi đến viếng. Không ít người đã không kìm được nước mắt khi đến nơi đây, chứng kiến những chứng tích tội ác diệt chủng.

Người Ba Chúc không thể dứt bỏ nắm xương tàn của người thân đã đành, mà họ còn không thể rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn, miền biên thùy núi non; tử khí vương vất trên từng đường đê lác đác xác người, những cây thốt nốt cụt đọt đứng trơ trơ giữa trời xanh thăm thẳm. Họ về lại nhà, cày cấy và thổi hơi cho ngôi làng sơn cước dần dà gượng dậy.

Những người không còn bất cứ người thân nào thì ở lại chùa, phụng sự khói nhang cho những vong hồn oan khuất. Bức tường chùa Phi Lai nhiều năm vẫn còn in rõ rành dấu máu. Thế hệ trẻ ở đây hình như đã quen rồi với những hộp sọ, mùi khói nhang nghi ngút và dấu máu hình bàn tay trẻ con, bê bết trên vách tường chùa.

Nhiều người từ xa đến, không khỏi hoảng hốt, không tin vào mắt mình khi thấy trẻ con giành nhau bưng những hộp sọ người sau khi tẩm hóa chất đi phơi, trong đợt bảo trì của nhà mồ. Một cô neo đơn, bán hàng rong bên cạnh nhà mồ nói, “Ông bà nội ngoại và ba má, anh hai tôi trong đó. Đau và sợ cũng đã quen rồi!”.

Và ba nhân vật sống sót sau cuộc thảm sát: chú Ba Lê thì đã qua đời. Cô Tư Nga thần trí đã hóa trắng như sương khói, nhưng lâu lâu vẫn gọi tên chồng con, “chạy đi, chạy đi, chạy lẹ đi”. Còn cô Nga, sau lần tai nạn giao thông, người ta bồi thường một số tiền để nuôi và đặt não trở lại. Nhưng vì nghèo khó, gia đình cô quyết định không đặt lại một phần não, để nhận lấy tiền về trả nợ và mua thuốc men hàng tháng.

Bây giờ, một phần đầu cô Sương không nguyên vẹn, cô chỉ biết nghe và nhận định “đúng rồi, đúng rồi, y chang vậy đó, là vậy đó; sai rồi, không phải vậy, là vầy nè. Tui tức quá. Là vầy nè”. Bên cạnh con cháu, hàng xóm, hai chứng nhân lịch sử, một già yếu, một đau bệnh, sống trong vòng tay che chở thương yêu, mà sống.

Cây dầu 300 tuổi - biểu tượng hồi sinh của vùng đất chết

Nhiều lần đến Ba Chúc hỏi thăm về cuộc thảm sát, tôi có cảm giác như mình thổi một luồng hơi (có thể lạnh, cũng có thể nóng) vào vết thương của những người dân Ba Chúc. Không biết, 40 năm trôi qua với bao biến cố, đấu tranh với cuộc sống, chật vật cơm áo gạo tiền có làm người ta nguôi ngoai nỗi đau trong quá khứ hay không?

Ba Chuc hoi sinh sau 40 nam chiu tham sat anh 3
Cây dầu - biểu tượng hồi sinh của Ba Chúc. Ảnh: Lê Quang Trạng.

Chú Út Oanh, người sống sót nhờ ăn củ nừng và uống mủ chuối suốt 12 ngày đêm trên núi Tượng nói với tôi, nhiều khi nửa đêm chợt nghe tiếng súng, tiếng hét “chô chô” (tiếng Campuchia, nghĩa là “xung phong, xung phong”) thì tốc mùng dậy bỏ chạy. Có lúc chạy ra tới cửa rồi mới nhận ra mình đang mơ.

Cây dầu 300 tuổi, sau khi chết đi, chim chóc tha hạt cây da và những cọng rễ bồ đề thả trên tán lá mục; dần dà da đâm tược xanh um, bồ đề đeo bám lấy thân cây đã chết. Như một biểu tượng - pho tượng đài cho sức sống của đất và người Ba Chúc, vẫn còn đó, ở giữa con lộ đi vào núi Tượng suốt hơn 40 năm qua.

Ba Chuc hoi sinh sau 40 nam chiu tham sat anh 4
Uốn tầm vông là một nghề truyền thống của Ba Chúc, vẫn được tiếp nối tới hôm nay. Ảnh: Lê Quang Trạng.

Hệ thống trường trạm, chợ búa phát triển quanh cây dầu và nhà mồ làm tôi liên tưởng đến những thế hệ sinh trong hậu chiến, đang sống bên cạnh những nhân chứng lịch sử “sau cơn chết trở về”. Họ đã sống, đã làm lại, đã vực dậy mảnh đất ấy từ tang thương, đau đớn, suốt 40 năm nay.

Những hình ảnh man rợ của quân Pol Pot khi giết hại người dân An Giang

Tháng 4/1978, quân Pol Pot tấn công Ba Chúc, dìm nơi đây trong biển máu, giết hại hơn 3.000 người bằng mọi hình thức dã man, chỉ còn ba người sống sót sau thảm sát.

Người đàn ông có hơn 200 người thân bị Pol Pot sát hại

Chú Tư Chỉnh ở An Giang có hơn 200 người họ hàng bị quân Pol Pot giết hại, nhưng cái chết của bác gái với tư thế quỳ hằn sâu trong ký ức.

Lê Quang Trạng

Bạn có thể quan tâm