Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá Iraq và sự hồi sinh từ đống tro tàn

Đây là câu chuyện về một đội bóng đã vươn mình vượt qua áp bức và chiến tranh để trở lại đấu trường quốc tế.

Ngày 20/3/2003 trở thành một bước ngoặt lớn thay đổi lịch sử dân tộc Iraq. Những phát súng đầu phát lên từ vùng vịnh Ba Tư đã đánh dấu chấm hết cho một triều đại cai trị suốt gần 30 năm của gia tộc Saddam Hussein, và cũng chấm dứt một “triều đại” bóng đá đầy hỗn loạn vì tham nhũng, độc tài và bạo lực chính trị.

Câu chuyện hồi sinh từ đống tro tàn của nền bóng đá quốc gia này đã được nhà báo kỳ cựu Simon Freeman thuật lại trong cuốn sách Đội bóng thành Baghdad.

Nhà Hussein và nền “độc tài" bóng đá

Nếu có ai từng hỏi: Nhà Hussein có tầm ảnh hưởng thế nào tới nền bóng đá tại Iraq, người hâm mộ chỉ có thể trả lời : “Họ có quyền sinh sát lên bất kỳ ai”.

Uday Hussein - Con trai trưởng của Saddam Hussein, Bộ trưởng Bộ Thể Thao Iraq và là người đàn ông có quyền lực tuyệt đối trong giới thể thao trong suốt 19 năm cầm quyền.

Uday luôn tự xưng mình là “Sói Hoang" như sự ngưỡng mộ với bản tính săn mồi của loài sói. Trong suốt khoảng thời gian tại vị, Uday liên tiếp dính đến những cáo buộc về một loạt các hành vi như: dàn xếp tỉ số; đe dọa; bắt cóc và tra tấn một loạt cầu thủ trong đội tuyển.

Bong da Iraq da hoi sinh nhu the nao? anh 1
Uday Hussein (trái), nỗi khiếp sợ của các cầu thủ Iraq. Nguồn: Getty Imagine

Theo nguồn tin từ phóng viên Barton của tờ Washington Post đăng tải năm 1997, Uday thậm chí còn đe dọa cả những nhà báo trong nước dám phanh phui bằng chứng liên quan đến việc tấn công tình dục đối với đội tuyển bóng đá nữ. Ủy ban thể thao châu Á đã nhiều lần cố gắng can thiệp sự lạm quyền của Uday lên thể thao của Iraq, và yêu cầu một cuộc điều tra đặc biệt. Nhưng những nỗ lực ấy chẳng đi đến đâu.

“Uday có một quyền lực bất khả xâm phạm, tất cả những ai chống lại đều biến mất, hoặc không có kết cục tốt đẹp” - Younis Mahmoud, huyền thoại bóng đá Iraq hồi tưởng lại trong cuốn sách. Những thời điểm nhà Hussein còn chi phối bóng đá, mọi trận cầu của các đội tuyển đều như một cuộc chiến sinh tử.

Bong da Iraq da hoi sinh nhu the nao? anh 2
Cuốn sách Đội bóng thành Baghdad.

Các đội bóng phải chi tiền cho những thú vui của Uday, chỉ để đổi lại việc được yên ổn hoạt động tại Iraq. Trước khi chính quyền Saddam sụp đổ, hàng loạt bằng chứng về hoạt động hối lộ và thao túng bóng đá của nhà Saddam được các tờ báo Anh Quốc như tờ The Guardian phát hiện vào năm 2002. Hội đồng Bóng đá Châu Á và FIFA đã ban hành lệnh cấm thi đấu quốc tế cho đội tuyển này như một đòn chí mạng giáng vào quyền lực độc tài tại đây.

Những chuyện xảy ra tiếp theo đã trở thành lịch sử, khi nhà Saddam bị đánh bật khỏi quốc gia này. Những thành viên trong liên đoàn bóng đá Iraq có thể thở phào nhẹ nhõm, khi được giải thoát khỏi sự kiểm soát của Uday sau bao năm tháng kìm kẹp. Nhưng trong số họ vẫn có người lại tỏ lo lắng, lo cho một tương lai bất định của bóng đá Iraq khi mà quân đội Mỹ thay thế chính quyền cũ.

Hồi sinh từ đống tro tàn

Mùa hè năm 2003, đứng trước sân vận động quốc gia tại Baghdad, Hussein Saeed bật khóc, ông chưa bao giờ nghĩ sẽ thấy cảnh tượng những chiếc xe tăng Mỹ đậu kín trên mặt sân như lúc này. Thủ đô Baghdad bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, trong số các cầu thủ trong nước; người thì ly tán gia đình trong chiến tranh, người thì mất hết nhà cửa, thậm chí mất mạng.

Saeed là một tuyển thủ huyền thoại của quốc gia này, và được đánh giá là cầu thủ vĩ đại nhất của Iraq trong thế kỷ 20. Nhưng ngay cả người đàn ông huyền thoại ấy cũng không thể tránh khỏi sự hoài nghi về tương lai của bóng đá Iraq. Trước mắt Saeed giờ đây là một quốc gia đầy hỗn loạn và bạo lực.

Trong căn phòng truyền thống của đội tuyển bóng đá nam Iraq, có một bức tranh được treo đầy trang trọng ngay giữa phòng. Đó là hình ảnh của Ammo Baba - người được ví như Pele của bóng đá Trung Đông.

Với sự nghiệp gắn liền với đội Iraq suốt 40 năm, từ vai trò cầu thủ đến Huấn luyện viên, Ammo bằng chính năng lực của mình đã đưa đội bóng vùng Tây Á lên đỉnh cao của châu lục trong những năm 80. Nhưng cũng chính ông đã thỏa hiệp và tung hô Uday để có thể giữ được những quyền lợi của bản thân.

“Điều đó không thể xảy ra thêm một lần nữa"- Saeed tự nói với bản thân, “Bằng mọi cách, ta phải đưa bóng đá Iraq trở về thời kì đỉnh cao”.

Ngay sau khi gia tộc Saddam Hussein sụp đổ, Saeed nhanh chóng được hội đồng thể thao quốc gia bổ nhiệm làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iraq.

Và trong ngày đầu tiên khi nhậm chức, ông đã có bài phát biểu gây xúc động mạnh “Bóng đá sẽ kết nối dân tộc Iraq lại với nhau, bắt đầu từ Olympic sang năm và đỉnh cao Asian Cup sau đó”. Như được cởi bỏ lồng sắt giam hãm nhiều năm, đội bóng đá xứ Baghdad này như lột xác.

Năm 2004 là một năm đặc biệt đối với bóng đá Iraq, lần đầu tiên đội bóng vùng Vịnh này chính thức được FIFA cho phép quay trở lại đấu trường Châu lục sau nhiều năm bị cấm đá. Những thay đổi nhanh chóng của bộ mặt bóng đá nước này đã mang lại sinh khí mới cho đội tuyển.

Tuy không thể góp mặt vào vòng chung kết Olympic năm 2004, nhưng những quả ngọt từ nỗ lực ban đầu ấy chính là tiền đề cho thành công 3 năm sau đó.

Bong da Iraq da hoi sinh nhu the nao? anh 3
Younis Mahmoud nâng chiếc cúp  AFC Asian Cup danh giá năm 2007, thành tích tốt nhất lịch sử đội bóng, và là câu chuyện cổ tích trong bóng đá thế giới: Ảnh: CNN.

Năm 2007, bóng đá Châu Á lại chấn động khi đội tuyển Iraq vượt qua bao đối thủ “sừng sỏ” khác, góp mặt tại trận đấu chung kết với Ả Rập Saudi, để tranh chiếc cúp danh giá của AFC Asian Cup.

“Đó là một trận đấu mà đời tôi sẽ không thể nào quên được” Saeed xúc động kể lại. Bàn thắng vàng của Younis Mahmoud vào khung thành đội bóng Ả Rập Saudi đã làm vỡ oà bao hạnh phúc, hàng triệu con tim Iraq hoà thành một. Nó như sự giải tỏa cho suốt bao năm bị đe dọa và kìm hãm. “Giờ đây, chúng tôi chính là nhà vô địch của Châu Á”.

Cuốn sách khép lại với những thành tích “kỳ diệu” mà đội bóng đã mang lại. Vượt qua bao nghịch cảnh và sự mất mát của chiến tranh, bằng những nỗ lực thực sự.

Bóng đá Iraq vẫn tiếp tục đứng vững, cũng như cách mà nhà báo Simon Freeman nhìn nhận trong cuốn sách Đội bóng thành Baghdad này luôn hướng tới những thành công mới, để ghi dấu ấn đỉnh cao của mình trong lịch sử bóng đá.

Và ngày 8/1 tới, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp đội tuyển Iraq trong khuôn khổ vòng bảng Asian Cup 2019.


Nguyễn Ngọc Anh Khôi

Bạn có thể quan tâm