- Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội này TP HCM đặt mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống và trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của Đông Nam Á. Ông góp ý gì cho mục tiêu này?
- Đây là nguyện vọng từ lâu của TP HCM nhưng càng ngày các bước tiến của thành phố càng nhanh hơn, gần hơn. Thực ra TP HCM có những điểm mạnh mà cũng có những điểm yếu nên mới đặt ra mục tiêu thành phố đáng sống. Ở đâu cũng có những cái yếu nên thành phố đặt ra thế này là trúng nguyện vọng, mong muốn của đảng bộ cũng như của nhân dân.
Một số chỉ tiêu đề ra trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần X với 7 chương trình tôi thấy phù hợp với lòng dân, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn. Ảnh: Q.H. |
- Các chuyên gia đánh giá, thời gian qua TP HCM chưa huy động sức dân đúng mức. Vậy, sắp tới thành phố nên làm gì để cải thiện điều này?
- Chưa bao giờ mình tự hào là mình huy động sức dân đúng mức. Mỗi ngày đều phải phấn đấu. Trong lòng dân bên cạnh những cái vui cái cống hiến cũng có những cái trái, cái ngược. Mình phải làm sao để sự đồng thuận càng nhiều, sự hợp tác, hợp lực càng nhiều. Tôi thấy biểu hiện ở đây là khối đoàn kết ngày càng mạnh hơn, sức của dân ngày càng tập hợp nhiều hơn thì đó là tín hiệu mừng.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ: Trong dự thảo báo cáo chính trị lần này, có đưa ra mục tiêu là “lấy sự hài lòng của ngươi dân làm thước đo đánh giá”. Đây là một thước đo mang tính trừu tượng, ông đánh giá thế nào về sự táo bạo này?
- Thực ra lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trước đây cũng đã có nhưng chữ nghĩa chưa được thể hiện cụ thể như lần này. Bao giờ cũng phải đo lường sự đồng tình, ủng hộ của người dân về những việc chính quyền làm. Nhưng lần này TP HCM đã cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Bởi vì tất cả mọi việc chính quyền làm đều để phục vụ dân. Nếu dân chưa đồng tình thì nhiệm vụ của mình chưa tốt.
- Thế hệ lãnh đạo TP HCM trước đây như ông là thế hệ tham gia kháng chiến. Nay, đang có một thế hệ lãnh đạo trưởng thành từ sau năm 1975, từ công tác Đoàn, công tác xây dựng phát triển thành phố trong hòa bình. Ông kỳ vọng, gửi gắm gì vào họ?
- Quy luật chung của xã hội là lớp trước hoàn thành nhiệm vụ thì lớp sau kế tiếp. Nhưng lớp sau của mình được chuẩn bị, được đào tạo, cho nên tôi rất yên tâm. Họ sẽ kế tục xứng đáng và giỏi hơn lớp trước. Nên tôi hoàn toàn yên tâm trước sự chuẩn bị của đại hội Đảng bộ thành phố.
- Thế hệ này phần lớn trưởng thành từ công tác Đoàn, rất nhiệt tình, xông xáo. Theo ông, họ có cần trang bị gì thêm khi thành phố bước vào giai đoạn đòi hỏi cao hơn?
- Bất cứ một lãnh đạo nào trên thế giới cũng không bao giờ giỏi hơn người khác về nhiều mặt đâu, mình chỉ học một cái chuyên môn thôi nhưng mà cái hay cái giỏi của một người lãnh đạo là biết quy tụ những người giỏi, trở thành một sức mạnh tổng hợp.
- Theo ông, làm thế nào để tạo cảm xúc hồ hởi, coi việc tham gia là niềm tự hào của mình trong nhân dân trước những quyết sách phát triển của thành phố?
Những mục tiêu, nhiệm vụ của chính quyền mà trúng vô nguyện vọng của dân ta thường nói vui là “ý Đảng lòng dân”, nghĩa là mọi việc của chính quyền và dân mà gặp nhau thì sẽ thành công.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006. Trước đó, ông có nhiều năm lãnh đạo các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong giai đoạn ông Triết lãnh đạo, TP HCM có mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình 11% năm, mức tăng năm sau cao hơn năm trước và cao hơn gần 1% so với giai đoạn 1996-2000.
Mức tăng trưởng cao giúp đưa thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt gần 30 triệu đồng vào năm 2006 (gấp rưỡi so với năm 2000).
2006 cũng là năm đầu tiên sau gần 10 năm, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP HCM đạt gần mức kỷ lục trên 2 tỷ USD.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, điều đáng chú ý là dù tăng trưởng cao, giai đoạn này chất lượng dịch vụ đô thị ngày càng được cải thiện và phân hoá xã hội tính theo thu nhập giữa các tầng lớp dân cư không bị nới rộng ra.