Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố đáng sống cần lòng dân ủng hộ

Sáng 14/10, TP HCM khai mạc Đại hội Đảng bộ lần thứ X - đại hội được kỳ vọng đưa ra những quyết sách tạo động lực cho thời kỳ phát triển mới của thành phố, và cả nước.

Cuối tháng 8/2015, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cùng 3 chuyên gia khác báo cáo Đề tài nghiên cứu “Đánh giá sức mạnh cạnh tranh của TP HCM và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2045” cho lãnh đạo thành phố. Loạt bài phân tích ông gửi riêng cho Zing.vn giúp hình dung rõ hơn sự phát triển của TP HCM.

Mục tiêu tổng quát trong Dự thảo báo cáo trình Đại hội X của Đảng bộ T PHCM nêu rõ: "Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều nỗ lực của người dân và chính quyền Thành phố. Trong đó, yếu tố lòng dân hết sức quan trọng.

Nhiều kết quả rất tích cực

Kể từ khi đổi mới vào năm 1986, Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong ba thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Hơn thế, nếu chỉ tính những nước có quy mô dân số từ 20 triệu dân trở lên, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Khoảng cách của Việt Nam so với nhiều nước khác đã giảm đáng kể.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du. Ảnh: FETP.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du. Ảnh: FETP.

Bản thân TP HCM, tuy khoảng cách với các thành phố khác còn xa, nhưng những kết quả đạt được là rất tích cực, đặc biệt là sự cân đối và hài hòa trong phát triển. Thành phố cũng có những điểm sáng được xem là những bài học hay kinh nghiệm tốt cho nhiều thành phố trên thế giới, như việc cải tạo thành công hệ thống kênh rạch được Ngân hàng Thế giới đã đánh giá: “Dự án [cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè] đóng vai trò như một điểm chuẩn thành công trong cách thức sử dụng các tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, để cải thiện đời sống của người dân đô thị.



Cho dù khoảng cách về phát triển hay năng lực cạnh tranh của TP HCM còn rất xa so với các thành phố trong khu vực cũng như nhiều thành phố đang phát triển khác, nhưng điều đáng chú ý là TP HCM có rất ít nhà lụp xụp (ngôn ngữ chung dùng để so sánh toàn cầu là nhà ổ chuột) và tình trạng giao thông chưa đến mức trở thành những “bãi đậu xe khổng lồ” như nhiều thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.

Một đô thị khá hài hòa với những hộ gia đình ở các mức thu nhập khác nhau cùng sống với nhau về mặt không gian. Tình trạng phân cực và quá trình tái phát triển mà ở đó người giàu chiếm chỗ và đẩy người nghèo ra những nơi bất lợi hơn không quá nghiêm trọng. Đây là những đặc trưng rất riêng và tích cực của TPHCM nói riêng, các đô thị Việt Nam nói chung.

Thiếu vắng sự tham gia hồ hởi của người dân

Thêm vào đó, công bằng mà nói những trục trặc của đô thị hiện nay không chỉ do những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý và vận hành đô thị mà còn đến từ “chủ nghĩa thuận tiện” trong cách thức xây dựng và sinh hoạt của người dân. 

Nói một cách khách quan, những gì mà Thành phố đang có (cả tích cực và những mặt chưa được) là kết quả của “nhà nước và nhân dân cùng làm” chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khu vực công.

Tuy nhiên, có một thực tế là những cái nhìn không tích cực về những gì đang xảy ra ở nước ta nói chung, Thành phố nói riêng và tâm lý đổ lỗi cho khu vực công đang khá phổ biến. Dường như đang thiếu vắng sự tham gia một cách hồ hởi và coi đó là một phần việc hay niềm tự hào của mình đối với những việc chung, đối với quá trình xây dựng đất nước, xây dựng Thành phố của người dân.

Đây là những trở ngại rất lớn cho sự phát triển của TP HCM.

Cần tạo ra kỳ vọng hợp lý  

Trong bối cảnh hiện nay, Chính quyền TPHCM cần có cách thức để cho người dân hiểu và tạo ra sự đồng thuận về ba vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng của công chúng còn xa, nhưng những kết quả đạt được sau ba thập kỷ đổi mới là ấn tượng với nỗ lực rất lớn của cả người dân và chính quyền Thành phố.

Thứ hai, ở mức độ phát triển hiện tại, cấu trúc đô thị và những dịch vụ tiện tích cơ bản là chấp nhận được. Tuy nhiên, để trở nên phát triển hơn thì cần phải thay đổi chứ không thể dựa vào nhà ống, xe máy và kinh tế vỉa hè mà chúng được phát triển và vận hành theo “chủ nghĩa thuận tiện”; công tác quy hoạch và quản lý đô thị cần phải hiệu quả và có hiệu lực hơn chứ không thể giải quyết tình huống bằng “mô hình cầu vượt”.

Thứ ba, khả năng trở thành một thành phố phát triển mang tính nhân văn và hài hòa là khả thi. Nói như văn kiện là: "Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình."

Tuy nhiên, cần tránh việc tạo ra kỳ vọng quá cao và ước muốn thay đổi một cách nóng vội. Nếu điều này xảy ra thì khả năng rơi vào một chu kỳ thất vọng khác (như điều có thể xảy ra ở các nước theo nền dân chủ dân túy) là rất cao.

Ở các nước theo nền dân chủ dân túy, các chính trị gia phải thể hiện rằng họ hơn hẳn đối thủ trong quá trình tranh cử nên vấn đề ở các nước này thường bị tô hồng hay thổi phồng quá mức. Sau bầu cử và trở lại thực tế người dân rất dễ gặp phải sự thất vọng.

Ở Việt Nam, do không phải trải qua quá trình này nên việc tạo ra các mức kỳ vọng vừa phải có tính khả thi nhưng vẫn phải đảm bảo sự tích cực thì có thể đơn giản hơn.

Tất cả người dân và chính quyền cùng hướng đến tương lai để xây dựng TP HCM phát triển theo một cái nhìn tích cực chứ không nên dành phần lớn thời gian bực mình hay than trách với một số trục trặc hiện tại.

Đánh dấu 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, năm 2015 có lẽ là thời điểm rất tốt để tạo dựng niềm tin và kỳ vọng cho công chúng về một tương lai tương sáng nhưng không ảo tưởng của TP HCM.

Đại hội lần thứ X Đảng bộ Thành phố là thời điểm chính thức để đưa ra định hướng phát triển dài hạn của thành phố theo hai bước gồm chuẩn bị những nền tảng cơ bản trong khoảng 10 năm và tiến đến thịnh vượng trong khoảng 3 thập kỷ.

Khơi thông sức dân và tạo dựng vốn xã hội

Đối với việc truyền tải thông điệp, tạo dựng sự đồng thuận và định hướng kỳ vọng, có một thực tế rằng cách thức tuyền truyền hay chuyển tải thông tin đang có vấn đề. Nếu không xử lý tốt rất dễ phản tác dụng.

Do vậy, những cách tiếp cận, hay tuyên truyền đa dạng, uyển chuyển cùng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp trong xã hội cần phải được xem xét.

Việc phát huy vai trò của truyền thông với những góc nhìn khác nhau, những nơi có tiếng nói khách quan, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội tự tổ chức của người dân là rất quan trọng cho cả việc tạo dựng sự đồng thuận, kỳ vọng lạc quan nhưng hợp lý cho công chúng cũng như việc tạo dựng vốn xã hội.

Vấn đề niềm tin, vốn xã hội và khơi thông sức dân đang là các vấn đề ở Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản của niềm tin là những thiết chế tự tổ chức trong cộng đồng chưa được phát huy trong khi các thiết chế được tổ chức chính thức lại quá xơ cứng không thực hiện được mục tiêu kỳ vọng.

Nếu không có một xã hội cởi mở dựa trên lòng tin sẽ rất khó. Lúc này, bất kỳ những gì chính quyền đưa ra, nhất là các ý tưởng lớn, các siêu dự án thường nhận được sự phản đối rất lớn.

Ở những nơi có môi trường tốt, những ý tưởng, những siêu dự án thường là cơ hội để tập hợp lòng dân tạo ra tinh thần lạc quan và kỳ vọng cao về tương lai để phần đông người dân chung tay xây dựng thành phố.

Việc cải tạo dòng sông Hàn bắc qua thành phố của Seoul là một trường hợp hết sức điển hình về vấn đề này. Thị trưởng Lee Muyng-bark, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc đã làm rất tốt điều này.


Một góc TP HCM nhìn từ quận 2. Ảnh: Max Ho.

Đối với TP HCM, việc khơi thông sức dân, tạo dựng niềm tin và vốn xã hội hiện nay là rất quan trọng. Để làm được việc này, cần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đông đảo; những cán bộ hưu trí, nhất là những người đã có vị trí cao cùng với các cơ quan truyền thông năng động và các thiết chế xã hội tự tổ chức.

Để có thể đưa ra những thông điệp rõ ràng, cách tiếp cận dễ hiểu cho đa phần người dân, Thành phố có thể tạo ra một hình ảnh, biểu tượng hay cụm từ ấn tượng mà hầu hết mọi người có thể cảm nhận được như “Hòn ngọc Viễn Đông” trước đây chẳng hạn. Ở bối cảnh hiện này, Thành phố có thể tạo ra một hình ảnh mới hay sử dụng hình ảnh nêu trên.

 

Dư luận chỉ nghe và theo bằng những hình ảnh và việc làm thiết thực chứ họ không bị các sự chỉ đạo chi phối. Bản chất trong xã hội là có nhiều quan điểm khác nhau, chỉ có môi trường mà người dân được bày tỏ những bức xúc của mình mới có khả năng tạo dựng lòng tin, từ đó khơi thông và tập hợp sức dân.

Một khi có sự ủng hộ của đông đảo các trí thức cũng như các tầng lớp trung lưu thì khả năng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân sẽ nằm trong tầm tay.

Tóm lại, tư tưởng không thông thì mang bình đông cũng nặng. Đả thông tư tưởng cho công chúng, cho mọi người dân về những thách thức cũng như con đường đi đến thịnh vượng trở thành một thành phố cạnh tranh và đáng sống của TP HCM là kết sức quan trọng. Do vậy, xây dựng yếu tố lòng dân và tạo dựng sự đồng thuận là một yếu tố hết sức quan trọng hiện nay đối với TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.

Hai vấn đề cần tập trung

Thứ nhất, phát huy đúng vai trò của các tổ chức chính trị xã hội hiện nay được tổ chức tập trung từ trung ương đến địa phương như: mặt trận tổ quốc, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn, hội cựu chiến binh, hội nông dân,…

Đa phần các tổ chức này đang gặp trục trặc về phương thức hoạt động và chưa thể phát huy vai trò. Trong đó, vấn đề lớn nhất là tính đại diện và có thể nói lên được tiếng nói hay bảo vệ lợi ích của các thành viên. Điều này được thể hiện rõ nhất ở tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Do vậy, việc đổi mới cách thức hoạt động của các loại hình tổ chức này là một vấn đề hết sức bức thiết.

Thứ hai, từng bước thể chế hóa và phát huy vai trò của các loại hình tổ chức cộng đồng tự tổ chức hay bán chính thức.

Trong một xã hội đa dạng có rất nhiều loại hình tổ chức cộng đồng mà chúng thuần túy chỉ đảm bảo hay chăm lo cho những cộng đồng dân cư nhỏ.

Ban điều hành khu phố hay chung cư là những thiết chế như vậy. Thực ra, các loại hình này đóng vai trò hay làm nhiệm vụ như các tổ chức của những người sở hữu nhà tại nhiều nước phát triển (homeowner association) mà ở những khía cạnh cơ bản chúng phát huy rất tốt vai trò đảm bảo rằng các dịch vụ đô thị cơ bản được cung cấp tốt và duy trì chất lượng.

Hơn thế, đây là những nơi mà người dân được thể hiện tiếng nói của mình, nhưng do các tổ chức này hoàn không có sự liên hệ với nhau nên không có khả năng tạo ra những làn sóng hay trào lưu ảnh hưởng đến sự ổn định hay cấu trúc tổng thể của xã hội.

Tầm nhìn cho TP HCM 30 năm tới

TP HCM sẽ chọn tầm nhìn, mục tiêu nào để hướng đến trong chặng đường phát triển 30 năm tới? TP HCM cần thể hiện sự “tư duy vùng kinh tế”, để cả vùng kinh tế cùng bật lên.

Xé rào, bứt phá và luật riêng cho TP HCM

Xé rào, bứt phá và luật riêng cho TP HCM - Đó là những vấn đề mà lãnh đạo TP HCM trăn trở và được nhiều lãnh đạo, đại diện bộ ngành trung ương góp ý, chia sẻ.

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Bạn có thể quan tâm