Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ lãnh đạo 'Big Tech' đầu tiên đang dần rời đi

Những người sáng lập các công ty có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon như Twitter, Amazon, Microsoft… không còn trực tiếp lãnh đạo công ty.

Các doanh nghiệp công nghệ như Google, Amazon, Netflix… đã tác động lớn đến cuộc sống của hàng triệu người dùng và đạt được nhiều thành công thương mại. Một điểm chung khác của các công ty trên là người sáng lập không còn bắt buộc phải nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Những nhà lãnh đạo này đã từ chức, dần chia sẻ quyền lực hoặc bị đẩy khỏi vị trí của mình.

Trong tuần này, đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức CEO. Trong khi đó, nhà sáng lập của Salesforce, Marc Benioff trở thành đồng giám đốc điều hành. Những trường hợp này không hiếm gặp trong giới “Big Tech”, nhất là các công ty được thành lập từ thế kỷ trước hoặc đầu những năm 2000.

Nhiều nhà sáng lập không trực tiếp điều hành

Tỷ phú Jeff Bezos vừa chính thức trao lại vị trí CEO Amazon cho cựu Giám đốc Amazon Web Services, Andy Jassy vào tháng 7. Tại Apple, Tim Cook tạm thời lãnh đạo công ty vào năm 2009 trong khi Steve Jobs điều trị bệnh ung thư. Ông chính thức đảm nhận vị trí CEO “Táo khuyết” sau khi nhà sáng lập Steve Jobs qua đời năm 2011. Sau 10 năm làm Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook cho biết không có ý định đảm nhận vị trí này thêm một thập kỷ nữa.

Ở Microsoft, Bill Gates rút dần khỏi những vị trí lãnh đạo qua nhiều giai đoạn. Ông lần đầu từ chức CEO vào năm 2000 và rời khỏi vị trí chủ tịch điều hành toàn thời gian năm 2008. Đến năm 2020, Bill Gates chính thức không còn là thành viên trong hội đồng quản trị Microsoft. Điều hành công ty hiện tại là Satya Nadella, người nắm vai trò CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Nha lanh dao cac cong ty cong nghe dan nhuong lai quyen luc anh 1

Nhiều người sáng lập doanh nghiệp công nghệ lớn không còn trực tiếp điều hành công ty. Ảnh: The Verge.

Từ năm 2015, hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã chuyển sang điều hành Alphabet, công ty nắm giữ tài sản riêng biệt của Google. Sự chuyển giao được thực hiện một phần khi Sundar Pichai phụ trách Google. Đến năm 2019, ông chính thức tiếp quản vị trí CEO của công ty.

Jack Ma từ chức CEO của Alibaba hồi năm 2013. Ông thôi giữ chức Chủ tịch điều hành vào 2019. Tại thời điểm đó, nhà lãnh đạo này vẫn nắm một lượng lớn quyền lực trong tập đoàn. The Verge cho rằng sau vụ IPO bất thành của Ant Group, Jack Ma không còn nắm nhiều quyền lực tại công ty mình thành lập.

Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty chủ quản của TikTok đã rời khỏi vị trí CEO hồi tháng 5. Trong một bức thư nội bộ, Zhang bày tỏ sự lo lắng về việc TikTok “đang dựa quá nhiều vào những ý tưởng mà ông có trước khi thành lập công ty”.

Trong khi đó, Kevin Systrom và Mike Krieger, những người sáng lập Instagram đã thông báo từ chức vào tháng 9/2018. Theo nhiều nguồn tin, hai lãnh đạo này rời công ty là bởi những bất đồng lớn với Facebook và Mark Zuckerberg.

Tháng 7/2020, nhà đồng sáng lập Netflix, Reed Hastings chia sẻ quyền lực với ông Ted Sarandos, cùng nắm vị trí Giám đốc điều hành công ty. Netflix nói rằng Sarandos đã hỗ trợ trong việc lãnh đạo trong hơn 20 năm hoạt động. Do đó, việc cùng Hasting trở thành CEO chỉ là một sự hợp thức hóa vai trò.

Xu hướng của các doanh nghiệp công nghệ lớn

Một điểm đáng chú ý là những nhà lãnh đạo nêu trên đều là nam giới. Vị trí của họ được thay thế bằng một người đàn ông khác. The Verge cho rằng đây không phải xu hướng tốt cho bình đẳng giới. Có một số phụ nữ nắm vị trí cao trong giới “Big tech” như COO của Meta Sheryl Sandberg hay CEO YouTube Susan Wojcicki.

Nha lanh dao cac cong ty cong nghe dan nhuong lai quyen luc anh 2

Ngược với xu hướng, Mark Zuckerberg không có ý định rời khỏi vị trí lãnh đạo Meta. Ảnh: Reuters.

Đồng thời, cũng có những ngoại lệ đi ngược với xu hướng này. Trường hợp đáng chú ý nhất là người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, vẫn kiểm soát hoàn toàn Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta). Ông nói với The Verge vào tháng 10 rằng mình không có kế hoạch từ bỏ công việc. Đồng thời, rất khó để đẩy Mark Zuckerberg khỏi Meta vì cấu trúc cổ phiếu của công ty.

Ngoài Zuckerberg, một số nhà sáng lập vẫn điều hành công ty của mình. Jensen Huang đang nắm quyền tại Nvidia. Đồng sáng lập Tencent, Ma Huateng hiện đóng vai trò CEO kiêm Chủ tịch của công ty. Bên cạnh đó, Evan Spiegel vẫn điều hành Snapchat.

The Verge cho rằng các doanh nghiệp công nghệ vẫn có thể tồn tại và phát triển tốt mà không cần người sáng lập.

Bill Gates chia sẻ cách để không bị kiệt sức khi làm việc

Bill Gates cho rằng không làm việc theo vòng lặp là bí quyết để người lao động tránh mắc phải hội chứng kiệt sức.

Metaverse của Mark Zuckerberg có thể khiến thế giới tồi tệ hơn

Theo các chuyên gia, metaverse không những có thể phá vỡ thực tại ta đã biết, mà còn khiến sự phân cực của thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.

Mark Zuckerberg thách thức Apple

Với cam kết không cắt phí, CEO Meta đang trực tiếp thách thức mô hình kinh doanh của Apple.

Xuân Sang

Theo The Verge

Bạn có thể quan tâm